Gây tổn thương về cảm xúc, tinh thần
Theo ThS Trần Thị Hoa Mai - Phó Chủ tịch Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam (VAN), cách đây hai hôm bà đã gửi mail đến ông Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC - đơn vị sản xuất chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế?” - để phản ánh việc nội dung tập 18 của chương trình này đã sử dụng khái niệm tự kỷ và áp vào tình huống không phù hợp, gây tổn thương cảm xúc, tinh thần của nhiều gia đình có trẻ tự kỷ và cả những người tự kỷ trưởng thành.
Bà Hoa Mai cho biết: “Nội dung của tập 18 chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế?” đã vô tình tạo ra nhận thức sai về tự kỷ, cổ vũ cách dùng từ tự kỷ để chỉ trạng thái cô độc, lập dị và cũng vô tình tạo ra định kiến không hay về khuyết tật tự kỷ.
Điều này không phù hợp với với những giá trị nhân văn mà tất cả chúng ta đều hướng tới, nó cũng trái với khuyến nghị nói trên của Liên Hợp Quốc. Đồng thời, chúng tôi băn khoăn về giá trị giáo dục của chương trình, vì qua đây con trẻ không được giáo dục về ý thức cảm thông và chia sẻ với người khuyết tật”.
Theo bà Hoa Mai thì VAN gửi tới chương trình những trao đổi này nhằm mong nhận được phản hồi để nắm được quan điểm của êkíp sản xuất chương trình. Từ đó, có thể cùng bàn luận, hướng tới một giải pháp đúng và tốt nhất cho câu chuyện này.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Chủ tịch thường trực CLB Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội cũng chia sẻ, khi xem tập 18 của “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, bà và các phụ huynh có con là trẻ tự kỷ rất buồn, thất vọng... vì trước nay các gia đình vẫn thường xem các chương trình của VTV với tư cách đài truyền hình quốc gia để định hướng và giáo dục con trẻ. Tuy nhiên, với chương trình này thì họ cảm thấy tổn thương vì tự kỷ bị xem như một thói xấu nên tránh xa, hoặc tự kỷ là phải giam mình dưới hố sâu.
“Một chương trình phát trên sóng quốc gia mà lại làm sai lệch khái niệm như thế này là rất nguy hiểm. Chúng tôi không gay gắt, không căng thẳng... nhưng rất mong nhà sản xuất chương trình nên nhận thức rõ khái niệm của hai chữ tự kỷ. Nó thực sự rất nhạy cảm và không thể sử dụng bừa bãi, nhất là với mục đích giải trí - mua vui. Các trẻ tự kỷ sẽ nghĩ sao khi các em xem được những tình huống này trên tivi?”, bà Minh Anh nói.
Nhà sản xuất không muốn đối thoại?
Bà Hoa Mai cho biết, cho đến nay bà vẫn chưa nhận được bất kỳ một sự phản hồi nào từ phía ông Đỗ Thanh Hải hoặc êkíp sản xuất chương trình. Bà đang chờ đợi một tinh thần “rút kinh nghiệm” bằng phương pháp đối thoại để cùng nhau tháo gỡ vấn đề từ phía nhà sản xuất.
PV Báo GĐ&XH đã cố gắng liên lạc với ông Đỗ Thanh Hải rất nhiều lần để trao đổi về vấn đề này, nhưng ông Hải không nghe máy. Còn diễn viên Mạnh Trường - với tư cách người tham gia chương trình - cho biết, tất cả các nhân vật đều thực hiện theo format của chương trình.
Và anh cũng khá bất ngờ khi hay biết có sự phản ánh của Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam vì tập 18 của chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?” đã phát sóng cách đây gần một tuần và anh không thấy dư luận đề cập gì đến chuyện này. Ngoài ra, phía sản xuất chương trình cũng không đề cập và thông báo về vấn đề này nên cá nhân anh xin phép không đưa ra bất kỳ ý kiến gì.
Về phần nhạc sĩ Minh Khang cũng tỏ ra rất bất ngờ khi đọc được thông tin trên báo chí. Cá nhân anh cũng không có ý kiến gì vì theo anh, nó không thuộc thẩm quyền của người chơi.
Chúng tôi trao đổi với ThS Phan Hồ Điệp - giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Bà Điệp chia sẻ, “Bố ơi, mình đi đâu thế?” là chương trình yêu thích của bà. Hầu như tuần nào bà cũng chờ xem vì thích sự hồn nhiên và dễ thương của những em nhỏ. Tuy nhiên, khi xem tập 18, bản thân bà cũng bị gợn gợn khi các bố và các con nhắc đến “hố tự kỷ”.
“Thực ra, theo tôi nghĩ, tự kỷ theo như suy nghĩ của người làm chương trình là hình thức làm một việc gì đó một mình, đơn độc. Tuy nhiên nó cũng trùng với việc chỉ tên một loại khuyết tật phát triển vì thế có thể gây hiểu nhầm. Nhất là khi lại cho tự kỷ là một hình phạt. Mặc dù vậy, chương trình vẫn diễn ra rất vui, người xem cũng bị cuốn theo sự hồn nhiên của các bạn nhỏ nên cũng dễ tha thứ”, bà Phan Hồ Điệp nói.
Bà Nguyễn Thị Phương Thanh (ở Cự Khối, Long Biên, Hà Nội) có con bị tự kỷ cũng có ý kiến tương tự ThS Phan Hồ Điệp. Bà Thanh chia sẻ, khi xem tập 18 của “Bố ơi, mình đi đâu thế?” bà thấy có cái gì đó sai sai khi gọi cái hố phạt người phạm luật trong trò chơi “Vòng xoay kim cương” là “hố tự kỷ”. Tuy nhiên, theo bà Phương Thanh thì đây là một sự vô tình chứ không phải cố ý nên có thể bỏ qua được.
Trước đó, tập 18 của chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?” phát sóng vào ngày 10/10 trên VTV3 ghi lại trải nghiệm của bốn cặp bố con: Mạnh Trường – Chíp, Xuân Bắc – Bi, Đỗ Minh – Tốt Ti, Minh Khang – Su Ti tại đảo Kim Cương. Theo luật chơi, những người tổ chức chương trình đã chia ô hình phạt là “hố tự kỷ” bên cạnh các ô “thư giãn”, “tấn công”... Nếu cặp bố con nào quay vào ô “hố tự kỷ”, cặp bố con đó phải xuống dưới hố đã đào sẵn ngồi trong vòng vài phút để nếm trải cảm giác ở “hố tự kỷ” và bị các gia đình khác trêu đùa. Các cặp bố con phạm luật đã tự nhận lỗi, lần lượt phải xuống dưới “hố tự kỷ” để sám hối. Trò chơi này được phản ánh với tinh thần hết sức vui vẻ, đầy ắp tiếng cười.