Bộ Nội vụ đưa vị trí nhân viên y tế học đường về nhóm chuyên môn dùng chung

GD&TĐ - Bộ Nội vụ chấp thuận đưa vị trí nhân viên y tế học đường về nhóm chuyên môn dùng chung.

Nhân viên y tế học đường Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.
Nhân viên y tế học đường Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Đình Tuệ.

Bộ Nội vụ vừa ban hành Công văn số 7583/BNV-TCBC về hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm.

Sau đề xuất của Bộ GD&ĐT đề nghị điều chỉnh vị trí việc làm nhân viên y tế học đường từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục, Bộ Nội vụ đã chấp thuận đề xuất này.

Tại Điểm b Khoản 1.3 Nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung mục II của Công văn 7583/BNV-TCBC có nêu: Trước mắt, đề nghị các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định vị trí việc làm “Y tế học đường” thuộc nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung như hiện nay.

Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho phù hợp.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Nội vụ, vị trí việc làm y tế học đường sẽ không bị xếp vào nhóm hỗ trợ, phục vụ của Thông tư 19, 20/2023/TT-BGDĐT mà được xếp vào vị trí việc làm chuyên môn dùng chung và sẽ được xếp chung với các vị trí thư viện, kế toán, văn thư..., được hưởng lương, phụ cấp đặc thù theo quy định.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm. Trong đó, đề nghị điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục.

Theo công văn của Bộ GD&ĐT, nhiệm vụ y tế trường học là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người.

Bên cạnh đó là các công tác liên quan khác như: thu và lập hồ sơ Bảo hiểm y tế học sinh, công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy, phòng chống bạo lực học đường, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý và hỗ trợ học sinh có những biểu hiện bất thường về tâm lý, phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ để phối hợp cùng gia đình và các cơ sở y tế can thiệp kịp thời…, đặc biệt, trong điều kiện thực hiện Quyết định số 85/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025.

Tại Phụ lục V, Thông tư số 12 của Bộ Nội vụ, quy định y tế học đường thuộc Danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ và được thực hiện theo chế độ Hợp đồng lao động.

Mặc dù Thông tư số 19, Thông tư số 20 của Bộ GD&ĐT đã quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ nhân viên y tế trường học đã được tuyển dụng trước ngày 15/2/2023; tuy nhiên đội ngũ nhân viên y tế trường học được tuyển sau ngày 15/2/2023 phải thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động, gây khó khăn, tâm lý không ổn định cho đội ngũ này trong trường học.

Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí y tế học đường từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục để bảo đảm chế độ, chính sách và chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ, học sinh trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.