Mới đây, trên mạng xã hội facebook đang trở nen xôn xao về hiện tượng tắm đêm bị đột quỵ suýt chết. Chủ tài khoản facebook, đồng thời là nạn nhân, P.H.T chia sẻ, đây là lần thứ 2 cô “từ cõi chết” trở về.
Bác sĩ nói cô bị đột quỵ do thói quen tắm gội ban đêm, chỉ chậm vài phút nữa là ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng.
Đoạn chia sẻ mới được 1 ngày nhưng đã có đến hơn 11.000 lượt bày tỏ cảm xúc, 9.797 lượt chia sẻ và hơn 13.000 lượt comment.
Dự đoán con số này vẫn tiếp tục tăng. Mặc dù có một số thói quen tắm sai lầm dẫn đến đột quỵ nhưng mọi người, nhất là đối tượng trẻ tuổi như cô gái trên vẫn còn rất chủ quan.
Việc tắm đêm có thể lấy đi tính mạng của bạn không phải là chuyện cảnh cáo lần 1, lần 2 nữa. Cách đây khoảng 3 năm, chúng ta từng chứng kiến sự ra đi khi mới 27 tuổi của Vlogger rất được yêu mến tại Việt Nam, Toàn shinoda.
Vì vậy, hãy cẩn trọng để tránh những hậu quả không tốt từ việc tắm.
Dưới đây là một số thói quen tắm cực sai lầm có thể khiến bạn bị đột quỵ, thậm chí chết bất đắc kỳ tử được giới chuyên gia vạch ra:
Tắm khi trời đã về khuya
Theo BS Vũ Hữu Ngõ (nguyên Trưởng khoa Châm cứu và Dưỡng sinh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương), trong y học cổ truyền, khi cơ thể nhiễm phong hàn, hay còn gọi là nhiễm lạnh quá lâu, gió lạnh lùa đột ngột… dẫn đến tắc trở vận hành khí huyết kinh lạc.
Ở mức độ lạnh nhiều, lạnh đột ngột hoặc do cơ thể đang bị suy yếu thì rất dễ gây ra các bệnh lý ở các mức độ khác nhau.
“Triệu chứng thường gặp là đau đầu, mỏi vai gáy, toàn thân ớn lạnh, chóng mặt, liệt nửa mặt do tổn thương dây thần kinh số 7 ngoại biên”, BS Ngõ cho hay.
Bệnh nhân nếu bị viêm dây thần kinh số 7 ngoại biên không được chữa trị kịp thời sẽ để lại những di chứng liệt méo miệng, nhất là làm mất thẩm mỹ. Khi bệnh để quá 2-3 năm thì sẽ trở thành tật cực khó chữa khỏi hoàn toàn.
Lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) nhấn mạnh, dù tắm đêm vì bất cứ lý do gì thì hành động này cũng rất dễ khiến bạn bị đột quỵ. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ khi tắm đêm có thể là do đau thắt ngực, tai biến mạch máu não…
Chưa hết, tắm đêm còn khiến bạn dễ bị nhiễm trùng phổi, suy giảm chức năng phổi, đặc biệt là những người đang bị suy giảm miễn dịch.
Nguyên nhân là khi nhiệt độ nước tắm không phù hợp với nhiệt độ cơ thể, bắt buộc cơ thể phải điều tiết hoặc là co mạch hoặc là giãn mạch để giữ nhiệt hoặc thoát nhiệt.
Khi bị co lại đột ngột thì khả năng bạn bị đột quỵ là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
“Ngoài ra, khi tắm đêm hoặc để đầu vẫn còn ẩm ướt đi ngủ rất dễ bị mệt mỏi, đau nhức đầu. Lúc này mạch máu não có xu hướng giãn, có thể sẽ bị đau đầu mãn tính”, vị lương y nhấn mạnh.
Do đó, việc tắm đêm, gội đầu ban đêm có thể khiến bạn sinh bệnh, hoặc những người đang có bệnh trong người thì sẽ bị nặng hơn.
Tắm khi vừa ở trong phòng điều hòa quá nóng hoặc quá lạnh ra
Theo Bác sĩ Vũ Văn Khang (Nguyên giám đốc Bệnh viện Phong, Hà Nam), việc vừa bước ra khỏi phòng điều hòa quá nóng hoặc quá lạnh rồi tắm luôn không tốt cho sức khỏe.
Khi từ phòng điều hòa nóng đi ra, bạn có xu hướng tắm nước lạnh hơn và ngược lại. Điều này sẽ gây rối loạn vận mạch.
Tắm kiểu này bất kể diễn vào thời gian ngày hay đêm đều có thể khiến sức khỏe bị tổn hại. Sự thay đổi đột ngột giữa nhiệt độ cơ thể và nhiệt độ tắm sẽ làm tình trạng sức khỏe của bạn thêm tồi tệ, rất dễ bị đột quỵ.
Điều này cũng tương tự với các hành động như vừa đi ngoài đường đường về, có thể cơ thể đang chịu nhiệt rất nóng hoặc rất lạnh của thời tiết đã vội vàng lao vào tắm ngay.
Sự thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột khiến cơ thể bạn chưa kịp thích nghi, có thể gây nên những tổn hại sức khỏe đáng tiếc.
Cách tốt nhất là bạn nên tắt điều hòa trước khi tắm 15 phút, sau khi cơ thể ổn định với lượng nhiệt môi trường thực tế rồi hãy bước chân vào phòng tắm.
Tắm ngay sau khi ăn
Theo BS Khang, khi vừa ăn xong, dạ dày đang trong quá trình hoạt động mạnh, huyết dịch tập trung ở dạ dày khiến lượng máu ở các cơ quan khác giảm đi.
Nếu bạn đi tắm ngay sẽ tạo điều kiện cho huyết quản nở ra, da và cơ lúc này cần nhiều máu vô tình làm thiếu lượng máu ở dạ dày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tiêu hóa.
Nếu lúc này mà còn tắm nước lạnh thì vô cùng nguy hiểm, rất dễ ngất xỉu. Do đó tốt nhất là nên nghỉ ngơi 1-2 h sau khi ăn rồi mới được tắm.
Tắm ngay sau khi vận động
Nhiều bạn chơi thể thao nhiều, vừa mới đi ra khỏi phòng tập với tình trạng mồ hôi nhễ nhại là muốn lao vào tắm ngay để cơ thể sạch sẽ. Tuy nhiên, hành động cho rằng giúp cơ thể sạch sẽ lúc này có thể lấy đi tính mạng của chính bạn.
“Ngay sau khi vận động xong, cơ thể còn rất mệt mỏi, đòi hỏi bạn phải dành thời gian nhất định cho nó phục hồi.
Nếu lúc này mà tắm ngay lập tức có thể khiến tim và não bộ không được cung cấp đủ máu, rất dễ rơi vào trạng thái hôn mê”, BS Khang cho hay.
Cách tốt nhất là chúng ta nên dành 15-30 phút để ngồi nghỉ ngơi, khi cơ thể ổn định với các trạng thái sức khỏe bình thường thì bạn có thể đi tắm.
Tắm quá lâu
Tắm càng lâu không có nghĩa là bạn càng làm cho cơ thể sạch hơn. Cho dù đây là sở thích của mình thì bạn cũng cần hiểu rằng, tắm quá lâu có thể làm cho độ ẩm cần thiết trên da bị mất đi, khiến làn da của bạn có cảm giác khô và ngứa.
Các chuyên gia cũng khẳng định, việc tắm quá lâu có thể khiến thân nhiệt giảm đột ngột.
Việc giảm quá mức rất dễ khiến bạn bị cảm lạnh, ảnh hưởng đến các nội tạng, cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng hoạt động của mạch máu, huyết áp, từ đó dễ khiến bạn bị đột quỵ, hôn mê…
Tốt nhất là bạn chỉ nên tắm khoảng 10 phút vào mùa đông, mùa hè cũng không nên quá 15 phút.
Tắm khi vừa mới sử dụng đồ uống có cồn
Theo lương y Bùi Hồng Minh, cồn trong bia rượu có khả năng làm ức chế chức năng gan, cản trở sự giải phóng glycogen.
Trong khi đó, tắm lại đẩy mạnh quá trình suy giảm glucose trong cơ thể, từ đó gây nên một hệ quả tất yếu là uống rượu xong rồi tắm ngay khiến đường huyết không bổ sung kịp thời.
“Lúc này, bạn rất dễ bị hoa mắt, chóng mặt, thậm chí ngất xỉu, ngã gục ngay trong buồng tắm”, chuyên gia nhấn mạnh.
Do đó, khi vừa uống rượu xong đừng chủ quan đi tắm ngay. Tốt nhất là bạn nên nghỉ ngơi, uống nước chanh gừng giải rượu, sau đó có thể tắm vào ngày hôm sau.