Dạy con có trách nhiệm với đồng tiền
Một nguyên tắc chung về dạy kỹ năng cho trẻ đó là việc làm gương của cha mẹ. Dạy con về tiền cũng vậy, cha mẹ hãy chi tiêu hợp lý để con có thể học được cách quản lý tiền và sử dụng tiền có kế hoạch.
Ngày nay, với điều kiện tiếp cận nền văn hoá mở, nhiều cha mẹ dạy con làm quen và nhận biết về tiền từ khi còn học mẫu giáo. Ban đầu chỉ là dạy con biết phân biệt mệnh giá từng đồng tiền. Sau đó, dạy trẻ cộng các mệnh giá các loại tiền rồi mua những thứ nhỏ từ cửa hàng tạp hóa gần nhà hay mua hàng trong siêu thị. Khi con học tiểu học, các cha mẹ dạy con lập bảng kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm sao cho hiệu quả với số tiền đang có.
Chị Nguyễn Kiều Miên (Hải Dương) cho rằng, việc dạy con tiêu tiền từ nhỏ giúp con biết được giá trị đồng tiền, học được cách suy xét và cân nhắc trước quyết định mua sắm. Từ đó, con sẽ học được cách tính toán nên chi tiêu như thế nào hợp lý cho đến khi trưởng thành.
“Tôi bắt đầu bài học quản lý tiền cho con trai tôi từ khi cháu 3 tuổi. Cháu còn nhỏ, thấy được trao quà là vui chứ chưa biết giá trị. Tuy nhiên, khi tôi cho con biết những “tờ giấy” đó có thể đổi được đồ chơi hay thức ăn thì con vô cùng thích thú và hiểu dần giá trị của tiền.”, chị Kiều Miên chia sẻ.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền (tác giả cuốn sách “Mặt trái của yêu thương”), đồng tiền luôn có hai mặt: là phương tiện sống nhưng cũng dễ vì nó mà đạo đức bị coi rẻ, vì vậy bố mẹ nên chia theo từng giai đoạn để cho con làm quen với tiền. Nếu không con sẽ dễ bị sai lệch và không biết quý trọng tiền.
Chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho rằng, dạy con tiêu tiền ở lứa tuổi mầm non là dạy con tiềm thức về giá trị đồng tiền. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ nên dừng lại ở việc cho con biết giá trị của đồng tiền có từ sự lao động quý giá, và chúng ta phải trân trọng đồng tiền ra sao, cũng cho con biết được tiền dùng làm gì sẽ tốt và làm gì sẽ không tốt. Bên cạnh đó, bố mẹ hãy cho con quan sát những người kiếm tiền từ khó khăn, vất vả nắng sương cho đến những người nơi công sở, những người thành đạt để con có tiềm thức về các hành động thực tế kiếm được tiền và trân trọng đồng tiền như thế nào.
Bài học quản lý tài chính từ tiền lì xì
Chị Phương Anh (Long Biên, Hà Nội) bắt đầu dạy con cách sử dụng khoản tiền mừng tuổi, từ cách tiêu tiền đến cách tiết kiệm khi con vừa vào lớp một. Chị đã mua cho con một con heo đất khi tiền còn ít. Khi số tiền lớn hơn, chị mở cho con một tài khoản tiết kiệm và giải thích với con rằng ngân hàng sẽ thưởng cho người gửi tiết kiệm bằng cách thêm tiền vào tài khoản của người gửi tiết kiệm. Con có thể mua những thứ con muốn nhưng cần hiểu sự khác biệt và khoảng cách giữa nhu cầu thực sự và mong muốn. Từ đó, con hiểu rằng tiền sẽ hết một cách nhanh chóng nếu chi tiêu không kiểm soát.
Bàn về vấn đề khi nào dạy con tiêu tiền lì xì, chuyên gia tâm lý - TS. Vũ Thu Hương cho rằng, chuyện bố mẹ “tịch thu” tiền lì xì của con là hoàn toàn không nên. Việc này vừa khiến con không hiểu ý nghĩa tục lì xì, không hiểu được giá trị của tiền và giảm háo hức với món gia vị cho Tết tuổi thơ. Khi con vào lớp một bố mẹ có thể bắt đầu dạy con biết cách giữ tiền đúng và học cách biết chi tiêu hợp lý. Hãy cho con được giữ tiền mừng tuổi hay tiền thưởng bằng cách tạo ra các quỹ. Hãy quy định nơi cất mà cả bố mẹ đều biết. Ngoài ra, bố mẹ cùng con lập nội quy quản lý và chi tiêu cho từng quỹ. Với mọi quyết định sẽ luôn phải thông qua bàn bạc, thảo luận cùng bố mẹ để có quyết định đúng trong phạm vi có ích, hợp lý.
Khi con 10 tuổi, chị Thu Hằng (Tây Hồ, Hà Nội) đã dạy con so sánh giá của các mặt hàng trong siêu thị và giải thích cho con hiểu tại sao lại có sự khách biệt đó. Nhờ đó, con thấy được sự khác biệt về giá của cùng một mặt hàng nhưng được bán ở những nơi khác nhau hoặc cùng một thương hiệu sẽ có nhiều mặt hàng với giá khác nhau.
Theo Th.S tâm lý Trần Thị Mạnh Linh – Giams đóc Công ty Tham vấn, tư vấn trị liệu tâm lý Mạnh Linh School psychology: Lì xì là một trong những phong tục đẹp ngày Tết. Đây là một nghi thức mà trẻ nhỏ đặc biệt mong chờ và ưa thích trong dịp Tết. Bởi vậy, cha mẹ cần dạy con một số quy tắc cần thiết như: Lịch sự khi nhận lì xì, không bóc lì xì ngay khi vừa nhận, và hiểu được ý nghĩa của tiền lì xì không phải nằm ở giá trị đồng tiền nhiều hay ít,…
“Với tiền lì xì, “không kiếm mà tự có” từ phong tục nhưng cha mẹ nhất thiết phải dạy trẻ văn hoá sử dụng và quản lý tiền. Với trẻ nhỏ mầm non, tiểu học, cha mẹ có thể quản lý giúp con, trẻ lớn hơn có thể tự quản lý và tự quyết định trong phạm vi nội quy được lập giữa bố mẹ và con, nếu vượt quá sẽ tham khảo ý kiến của bố mẹ. Tiền lì xì tuy không phải là kết quả lao động của mình nhưng vẫn mang đầy đủ giá trị. Trẻ cần biết tôn trọng vì tiền lì xì vẫn là mồ hôi công sức lao động của người đã trao lì xì cho chúng.”, Th.S tâm lý Trần Thị Mạnh Linh nhấn mạnh.
Các chuyên gia kỹ năng sống cho rằng, một trong những mấu chốt của việc dạy con về tiền là dạy con lập kế hoạch chi tiêu. Tất nhiên, tuổi để bắt đầu bài học quản lý tài chính có hiệu quả nhất là khi trẻ bắt đầu biết tính toán với những con số thực. Có thể bắt đầu từ khi trẻ học lớp 1.
Khi đã dạy con qua các bài học cơ bản về quản lý chi tiêu, cha mẹ có thể bắt đầu cho con giữ tiền. Thay vì cho con tiền tiêu hàng ngày, hãy cho con hẳn 1 khoản to để tiêu trong 1 tuần hoặc 1 tháng. Nếu con làm mất hay tiêu lẹm vào thì con sẽ phải nhịn ăn sáng hoặc ăn ít đi. Hãy cho con khoản chi riêng với dụng cụ học tập. Trẻ sẽ tự khắc biết lo giữ gìn đồ dùng để tiết kiệm số tiền được giao khoán đó.