Có thể gây rắc rối
Với nhiều thanh thiếu niên và trẻ vị thành niên, mạng xã hội có thể là một “nấc thang” thú vị dẫn tới sự trưởng thành. Thực tế, mạng xã hội mang lại cơ hội để thanh thiếu niên mở rộng tầm nhìn, kết nối bạn bè hoặc thể hiện bản thân theo những cách sáng tạo. Tuy nhiên, cha mẹ cần thận trọng về những gì con mình đăng tải lên mạng xã hội hằng ngày.
Điều quan trọng là cha mẹ cần chú ý tới những bức ảnh mà con mình đăng lên, cũng như các tài khoản của trẻ hiển thị với thế giới. Việc kiểm tra thói quen đăng bài của trẻ có thể giúp cha mẹ luôn cập nhật về cách con thể hiện trên phương tiện truyền thông.
Theo các chuyên gia, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến những gì phụ huynh xác định là phù hợp hoặc không phù hợp với con mình, từ quy tắc gia đình đến các hướng dẫn về mạng xã hội. Phụ huynh cần thảo luận về những gì mình mong đợi từ việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của con, trước khi chúng thiết lập một tài khoản.
Bà Liz Morrison, nhà trị liệu tâm lý, nhân viên xã hội lâm sàng tại New York và Colorado (Mỹ), cho biết: “Mạng xã hội có thể gây rắc rối cho thanh thiếu niên. Trẻ không phải lúc nào cũng suy nghĩ kỹ về những gì mình đang viết hoặc đăng và những người mà chúng có thể tác động tới. Mạng xã hội cũng có thể khiến trẻ cảm thấy mình không giỏi bằng bạn bè. Hoặc, thậm chí, mạng xã hội khiến trẻ làm những việc mà chúng không nhất thiết cần thực hiện”.

Nhiều hệ lụy
Các bài đăng không phù hợp trên phương tiện truyền thông xã hội ảnh hưởng đến cả người đăng và những người đọc.
“Đăng nội dung thù hận có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực đối với thanh thiếu niên, bao gồm các mối quan hệ bị tổn hại, sự cô lập xã hội và những vấn đề về hành vi. Thanh thiếu niên thường không được trang bị kiến thức để xử lý tình trạng quấy rối ẩn danh và khả năng bị chế giễu trên mạng xã hội”, ông Jon-Patrick Allem - Phó Giáo sư khoa học xã hội và hành vi tại Trường Y tế Công cộng Rutgers (Mỹ), lưu ý.
Ngoài ra, trẻ còn phải đối mặt với những hậu quả trong thế giới thực, chẳng hạn như bị đình chỉ học, tổn hại về danh tiếng, sức khỏe tâm thần suy giảm. Do đó, điều quan trọng là trẻ phải hiểu rằng, những gì bắt đầu từ mạng xã hội thường có thể gây ra sự tác động lớn.
Tiến sĩ Vaibhav A. Diwadkar, chuyên gia tại Khoa Tâm thần học và khoa học thần kinh hành vi thuộc Trường Y khoa Đại học Wayne State (Mỹ), cho biết: “Thanh thiếu niên nên nhận ra rằng, đăng nội dung trên mạng không khác gì việc nói chuyện trực tiếp với ai đó. Khi đăng nội dung trực tuyến, các em nên áp dụng cùng tiêu chuẩn như lúc đang nói chuyện với ai đó”.
Các chuyên gia cho rằng, Internet có thể giống như một “nơi thứ ba”, nơi trẻ giải tỏa căng thẳng và thể hiện bản thân. Tuy nhiên, ông Jon-Patrick Allem lưu ý, điều quan trọng là thanh thiếu niên phải hiểu rằng, một số thái độ hoặc hành vi tưởng chừng phổ biến trên mạng xã hội, lại không phù hợp ở đời thực. Chẳng hạn nội dung thô tục và thù hận rất phổ biến. Càng tham gia hoặc đăng tải nội dung không phù hợp, trẻ có xu hướng càng được cộng đồng mạng khuyến khích làm như vậy.
Ông Allem cho biết: “Chúng tôi nhận thấy từ nhiều năm nghiên cứu rằng, những người coi một hành vi là chuẩn mực hoặc điển hình, thú vị, bổ ích sẽ có nhiều khả năng tham gia vào cùng một hành vi đó. Những ảnh hưởng chuẩn mực này đặc biệt mạnh mẽ ở người trẻ tuổi. Bởi, những người trẻ tuổi muốn hòa nhập và được coi là một phần của cộng đồng”.

Các bước cần thực hiện
Nếu nhận thấy con mình đang đăng nội dung không phù hợp trên mạng hoặc tương tác với bài đăng có khả năng gây hại, cha mẹ cần hành động ngay lập tức. Bởi, đó thường là biện pháp hiệu quả nhất.
Tiến sĩ Diwadkar cho biết: “Cách dễ nhất để can thiệp là cố gắng hiểu bối cảnh xã hội xung quanh trẻ, nguyên nhân khiến chúng có hành vi bất thường”. Theo chuyên gia này, thanh thiếu niên thường hành động bốc đồng. Do đó, sẽ rất có giá trị nếu cha mẹ giáo dục con về những hệ lụy tiềm ẩn để nâng cao kỹ năng tư duy, kiềm chế sự bốc đồng ở trẻ.
Cha mẹ cần lưu ý tới cách giao tiếp với trẻ về việc này. Bà Morrison cho rằng, cha mẹ nên duy trì cuộc đối thoại cởi mở với con mình, đặc biệt là khi nói đến bất kỳ nội dung có hại nào mà trẻ đăng.
“Có thể hữu ích khi cố gắng khiến trẻ nhận thấy hậu quả từ hành động của mình và lý do tại sao hành động đó có thể gây tổn thương cho người khác. Cha mẹ không nên ngại áp dụng biện pháp kiểm soát nếu trẻ vị thành niên từ chối xóa nội dung không phù hợp, hoặc không nhận trách nhiệm”. Theo bà Morrison, “nguyên tắc vàng” phụ huynh cần áp dụng là: Nhắc con đối xử với người khác theo cách trẻ muốn được đối xử. Cách làm này có thể mang lại hiệu quả lâu dài.
Giải pháp trong tương lai
Việc theo dõi mọi hành động của trẻ trên mạng xã hội có thể chiếm rất nhiều thời gian của phụ huynh và khiến trẻ cảm thấy cha mẹ đang không tin tưởng con. Việc này cũng chỉ có thể hiệu quả ở một mức độ nào đó, nhất là nếu trẻ tạo tài khoản ẩn danh.
Trong khi đó, nếu cha mẹ cấm con sử dụng mạng xã hội, cách làm đó có thể phản tác dụng, đặc biệt là khi một số nền tảng nhất định ngày càng trở nên quan trọng. “Nên tránh việc cấm trẻ dùng mạng xã hội. Điều đó có thể khiến trẻ xa lánh, dẫn đến sự oán giận và tăng khoảng cách giữa phụ huynh và con”, chuyên gia Diwadkar lưu ý. Thay vào đó, ông Diwadkar khuyên cha mẹ nên làm gương bằng việc sử dụng mạng xã hội một cách phù hợp bằng việc cân đối thời gian sử dụng, cũng như bình luận và chia sẻ nội dung phù hợp.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể tìm sự giúp đỡ trước khi trẻ tham gia vào hành vi thực sự có hại nhắm vào chính mình hoặc người khác. Tuy nhiên, có thể khó biết khi nào ranh giới đó bị vượt qua. Để đạt được mục đích đó, chuyên gia Diwadkar cho rằng, cha mẹ nên hành động khi thói quen xấu của trẻ trở nên phổ biến và khó kiểm soát hoặc kiềm chế.
Hoặc, khi việc sử dụng mạng xã hội và nhịp độ đăng bài của trẻ đang ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cũng như hành vi của chúng. “Tuy nhiên, đây không phải là điều sẽ xuất hiện trong ‘một sớm một chiều’. Cha mẹ phải luôn cảnh giác và tương tác với con mình. Đó là điều có thể ngăn chặn các hành vi không mong muốn”, chuyên gia Diwadkar cho biết.