Mãi rồi, có một hôm con bé hỏi mẹ: “Mẹ ơi, các bạn không cho con chơi cùng là các bạn xấu mẹ nhỉ?”. Chị Oanh gạn hỏi mãi mới biết dạo này các bạn không thích chơi với con chị nữa, nhóm con gái cũng không cho chơi nhảy dây cùng, con trai thì không thích cho chơi cờ ca rô.
Hàng ngày con bé đến lớp không có bạn chơi cho nên buồn thui thủi. Con bé còn bảo chán đi học lắm, chỉ muốn ở nhà với mẹ thôi.
Bố mẹ cần cẩn trọng khi dạy con phân biệt tốt xấu (Ảnh minh họa)
Chị Oanh bảo con: “Tự nhiên các bạn không chơi với con nữa, thì các bạn rất xấu tính đấy. Hay là do con học giỏi lại xinh đẹp nên bị các bạn ghen.
Thôi con ạ, mấy đứa xấu tính ấy thì đừng chơi làm gì, cứ chăm ngoan học giỏi sau này cho chúng nó lác mắt. Chúng bắt nạt con thì để mẹ bảo cô giáo”
Thấy con vẫn chưa vui, chị Oanh cũng cảm thấy không thoải mái. Hôm sau khi đón con ở trường chị ở lại gặp giáo viên chủ nhiệm của con để nói chuyện.
Cô chủ nhiệm bảo: “Em cũng đang định gọi điện cho chị để hẹn gặp đây. Dạo này con bé học hành hơi sa sút, không hòa đồng với bạn bè và thường ngồi một mình chứ không chơi với ai.
Ở nhà có xảy ra chuyện gì ảnh hưởng đến tâm lý của con không hả chị?”. Chị Oanh khẳng định là mọi chuyện vẫn bình thường, chỉ có điều bây giờ các bạn bỗng dưng “tẩy chay” không chơi với con chị nữa cho nên con bé cảm thấy buồn. Cô giáo hứa sẽ tìm hiểu thêm ở các học sinh trong lớp.
Mấy hôm sau, cô chủ nhiệm hẹn gặp chị Oanh và nói với chị câu chuyện của những đứa trẻ. Cô cho biết, một học sinh kể lại rằng dạo này con bé hay chê bai các bạn.
Mấy đứa học sinh nữ không muốn chơi với con chị bởi cô bé bảo một bạn trong nhóm là béo như lợn, bảo một bạn khác là ăn mặc bẩn trông như hủi, một bạn khác “dốt như bò”.
Còn nhóm bạn nam thì không thích chơi với cô bé bởi cô bé nói các bạn trong nhóm là ích kỷ vì không chia sẻ đồ chơi với cô bé. Nói chung, hầu như tất cả các bạn đều bị cô bé “đánh giá” là thế nọ hoặc thế kia. Thậm chí có một bạn vì không có quần áo mới đến lớp bị cô bé chê là bẩn thỉu như ăn mày khiến bạn đó khóc suốt cả tiết học.
Nghe xong câu chuyện, chị Oanh buông một câu: “Ôi dào, mấy đứa trẻ con thiếu suy nghĩ ấy thì chơi làm gì, nó đã thế thì cũng chẳng cần”. Cô giáo nghe chị Oanh nói thế thì chán nản nhưng vì tương lai của học sinh, cô cố gắng giải thích:
“Trong quá trình dạy con trẻ, việc hình thành cho trẻ kỹ năng nhận xét và bày tỏ thái độ về người khác rất quan trọng, giúp trẻ có khả năng phân định được đúng sai, từ đó trẻ rút ra được những bài học ứng xử phù hợp. Vì thế, chị nên giúp con đánh giá đúng đắn người khác để con có thái độ tích cực hơn với bạn bè, sống hòa đồng hơn”.
Chị Oanh ậm ừ rồi ra về. Trong lòng chị vẫn chưa hết ấm ức chuyện con chị bị tẩy chay ở lớp học và kể cả chuyện cô giáo chủ nhiệm lại đứng về phía những học sinh “thiển cận” ấy. Chị tính cho con chuyển lớp cho thoải mái.
Tối về chị tâm sự với chồng chị về chuyện của con và chê bai sự đánh giá của cô giáo chủ nhiệm, chị còn thêm một câu: “Cô ta trông xấu và quê một cục, chắc cũng chẳng dạy con mình được cái gì hay ho đâu”.
Nghe xong, chồng chị Oanh tỏ ý không đồng tình. Anh nói với chị: “Chuyển trường cho con thì kết quả cũng thế thôi. Tất cả những chuyện này là do em mà ra cả đấy. Em thử nghĩ mà xem, mỗi lúc nhắc nhở con điều gì em đều nhồi vào đầu con những tư tưởng như là ai có vẻ bề ngoài xấu đều là kẻ xấu.
Hôm nọ anh nghe em nói với con là bà lao công dọn rác ở đầu phố trông rách rưới thế kia phải cẩn thận nếu không bà ấy vào nhà ăn cắp.
Rồi hôm qua anh còn nghe thấy em bảo con là ông bảo vệ chung cư nhà mình trông dữ dằn thế kia chắc không phải là người tốt. Em còn nhớ hồi hè năm vừa rồi cho con về quê, nó nhất định không chịu ngồi cạnh bà ngoại chỉ vì bà bị mù một mắt không.
Khi con khóc bảo là trông mắt bà một bên trắng thế kia thì bà độc các như phù thủy, vợ chồng mình chẳng bị bà bận vì không biết dạy con đấy thôi. Tết vừa rồi có họ hàng đến chơi mà quên không lì xì cho con bé nên nó bảo bác ấy là người xấu vì keo kiệt... ”.
Chị Oanh ngồi lặng đi không nói gì. Quả nhiên tính chị hay nhận xét người khác mà quên mất rằng những lời chị nói ra lọt vào tai con bé, nó cũng có suy nghĩ như chị. Có những hôm chị và mấy cô bạn đồng nghiệp ngồi nói xấu trưởng phòng, rằng trông bà ta béo như con lợn, tính xấu và hay bắt nạt cấp dưới.
Con bé đã hỏi chị một câu rằng: “Người béo thường xấu tính hả mẹ?”. Chị liền “ừ” cho qua chuyện. Không ngờ những nhận xét của chị về ai đó đã khiến con chị hiểu rằng những người có vẻ bề ngoài không đẹp thì là người xấu, những người không cho quà là người keo kiệt, những người không nhường nhịn là người độc ác, ăn mặc sạch sẽ, nói năng lưu loát mới là người tốt...
Chị đã vô tình gieo cho con những ngôn ngữ, hành động phiến diện theo cách đánh giá của bản thân chị, để đến lúc nó dần trở thành thói quen, tính cách sống của con sau này.