Mối quan hệ của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm sinh lý của con cái, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến tinh thần, học tập, nghề nghiệp cũng như các mối quan hệ trong tương lai của trẻ.
Tuy trong đa số trường hợp, ảnh hưởng tiêu cực đến con từ sự tranh luận (ở mức độ nhẹ) giữa bố mẹ được coi là nhỏ, nhưng khi bố mẹ mất bình tĩnh, bắt đầu cãi vã hoặc chiến tranh lạnh lâu ngày, thì sự tác động tiêu cực đến con sẽ tăng cao.
Trên thế giới có rất nhiều chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu về vấn đề này.
Họ nhận thấy rằng dù là một em bé 6 tháng tuổi, thì khi bố mẹ cãi vã lớn tiếng bên cạnh, nhịp tim của trẻ cũng sẽ tăng lên, hormone căng thẳng trong cơ thể cũng bắt đầu tiết ra.
Bố mẹ thường xuyên tranh cãi, theo độ tuổi khác nhau của trẻ cũng sẽ tạo nên những sự tác động không giống nhau.
Đối với trẻ sơ sinh, điều này có thể sẽ khiến các bé gặp khó khăn về giấc ngủ, ảnh hưởng đến sự phát triển não thời kỳ đầu.
Đối với trẻ tiểu học, điều này sẽ khiến các bé cảm thấy chán nản uất ức, từ đó ảnh hưởng đến việc học của các em.
Đối với những bé lớn hơn một chút, điều này có thể sẽ dẫn đến việc trẻ tự làm hại chính mình.
Có rất nhiều khi mối quan hệ giữa bố mẹ đã tan vỡ rồi, nhưng lại lo lắng ly hôn sẽ gây ám ảnh đối với con, nên cứ cố giữ mối quan hệ vợ chồng lạnh nhạt. Thế nhưng, một vài nhà nghiên cứu mới đây cho rằng đôi khi, ly hôn gây ám ảnh cho trẻ không phải là bản thân việc ly hôn, mà là trước và sau cũng như trong quá trình ly hôn, việc bố mẹ không ngừng tranh cãi khiến con bị tổn thương.
Trước đây, cũng có rất nhiều người nghĩ rằng gene mới là điều tiên quyết quyết định việc liệu trẻ có gặp những vấn đề như lo lắng, u uất, gặp khó khăn về tinh thần… hay không, tất nhiên điều này cũng hợp lý, nhưng thật ra sự tác động từ môi trường gia đình cũng vô cùng lớn.
Nếu bản thân trẻ có gene ẩn về vấn đề sức khỏe tinh thần, vậy thì dù trẻ có phải là con ruột của bố mẹ hay không thì quan hệ gia đình tốt đẹp cũng sẽ cải thiện trạng thái tinh thần của trẻ, còn một gia đình có mối quan hệ không được tốt thì sẽ khiến vấn đề tinh thần của trẻ xấu đi.
Vậy thì, rốt cuộc bố mẹ nên làm thế nào?
Đầu tiên, bố mẹ cần biết rằng trong đời sống gia đình, việc không tán thành lẫn nhau hoặc tranh luận là bình thường. Chỉ là nếu xung đột quá thường xuyên, quá kịch liệt, hơn nữa còn không thể giải quyết được, vậy thì sẽ ảnh hưởng đến con cái. Đặc biệt là khi tranh luận về trẻ, có thể trong lòng các bé sẽ cảm thấy tất cả những sự tranh cãi này đều là do lỗi của mình.
Nói tóm lại, nếu mối quan hệ của bố mẹ không được tốt, tình cảm và các mối quan hệ tương lai của trẻ đều sẽ bị ảnh hưởng. Đáng sợ hơn là quan hệ gia đình không tốt đẹp này sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trẻ sống trong môi trường đầy những sự tranh cãi, lạnh nhạt… thì gia đình riêng của con trong tương lai có thể cũng sẽ trở nên như vậy.
Những người nghiên cứu phát hiện thấy, thật ra trẻ 2 tuổi, thậm chí nhỏ hơn đã rất nhạy cảm khi quan sát bố mẹ cãi nhau, sau đó, dựa vào những kinh nghiệm trước đó, các em sẽ phán đoán xem việc tranh cãi này có tăng lên hay không, có ảnh hưởng đến mình, sự ổn định của gia đình mình và mối quan hệ giữa mình và bố mẹ hay không.
Đồng thời, bé trai và bé gái sẽ có những phản ứng khác nhau khi bố mẹ tranh cãi, bé gái có thể sẽ gặp trở ngại về tình cảm nhiều hơn, còn bé trai có khả năng sẽ gặp vấn đề về hành vi.
Mối quan hệ giữa bố mẹ còn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa con cái và họ hàng, anh chị em, bạn bè cũng như những người lớn khác, mà những mối quan hệ này đều sẽ tạo nên sự ảnh hưởng quan trọng đối với sức khỏe tâm sinh lý lâu dài của trẻ.
Cuối cùng, bài viết đưa ra một vài lời khuyên như sau: “Việc bố mẹ tranh luận là điều bình thường, trong quá trình tranh luận, nếu bố mẹ có thể bình tĩnh giải thích với nhau, cuối cùng giải quyết được xung đột. Điều này sẽ tác động tích cực đến trẻ. Các bé cũng có thể học được cách kiểm soát cảm xúc của mình trong quá trình bố mẹ tranh luận. Trong tương lai, những sự tác động tích cực này sẽ giúp con có tâm thái tích cực hơn khi đi học hoặc ngoài xã hội.”