Tình trạng thiếu nhà ở chất lượng và giá cả phải chăng dành cho sinh viên đại học là một trong những thách thức lớn mà giáo dục đại học châu Phi phải đối mặt.
Tại Nam Phi, ông Adamou Labara, Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế Nam Phi (IFC), lấy ví dụ, hiện nay Nam Phi còn thiếu 511.600 giường cho sinh viên nhưng số lượng tuyển sinh đang tăng lên. Dự kiến đến năm 2025, số lượng giường thiếu sẽ tăng lên 781.000.
Theo thống kê, cứ 3,3 sinh viên công lập thì chỉ có một giường ngủ.
Tình trạng tương tự đang diễn ra tại Cộng hoà Dân chủ Congo. Dù nước này có hàng trăm trường đại học nhưng không trường nào cung cấp đủ chỗ ở trong kí túc xá cho sinh viên khiến các em phải ra ngoài tìm nhà ở cho thuê với giá cao.
Tại Đại học Lubumbashi, một trong những trường đại học danh tiếng tại Congo, chỉ 4.500 trong số 22.000 sinh viên ở trong kí túc xá nhưng điều kiện sinh hoạt còn nhiều hạn chế.
Được xây dựng từ những năm 1950, Đại học Lubumbashi là một trong những trường lâu đời nhất và không được cải tạo thường xuyên. Để đăng ký ở trong khuôn viên trường, sinh viên phải trả phí từ 110 – 150 USD. Trong ký túc xá có sức chứa 192 nữ sinh viên chỉ có một phòng tắm và một nhà vệ sinh.
Một số sinh viên phải ở cách xa trường để có thể thuê nhà giá rẻ. Ngoài ra, sinh viên phải thuê nhà ở những khu ổ chuột nên các em phải đối mặt với các vấn đề an ninh, môi trường xã hội, thiếu Internet, ánh sáng...
Vấn đề thiếu nhà ở cũng đang diễn ra nghiêm trọng tại các nước châu Phi khác như Ai Cập, Zimbabwe, Burundi, Kenya, Ethiopia...
Ông Labara lưu ý, tỷ lệ tuyển sinh đại học ở hầu hết các quốc gia châu Phi cận Sahara đang tăng nhanh hơn khả năng đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho sinh viên trong khuôn viên trường.
Năm 2008, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ước tính khu vực châu Phi cận Sahara có 4,5 triệu sinh viên đại học nhưng con số này đã tăng gần gấp đôi.
Tuy nhiên, các trường đại học ở châu Phi chưa được trang bị để đáp ứng nhu cầu sinh viên ngày càng tăng, từ đó gây cản trở trải nghiệm học tập và khả năng tiếp cận giáo dục của thanh thiếu niên.
Trước tình trạng trên, các chuyên gia giáo dục châu Phi thống nhất rằng chính phủ các nước cần phân bổ nguồn hỗ trợ cho các trường đại học để cải thiện và xây mới kí túc xá. Các trường đại học cũng phải trích ngân sách để tu sửa, trang bị điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho sinh viên sống trong khuôn viên trường.
Trong trường hợp việc xây mới còn dang dở, trường học và các bên liên quan cần quan tâm, hỗ trợ sinh viên tìm nhà ở chất lượng ở ngoài khuôn viên trường; trao học bổng để giúp sinh viên giảm áp lực tài chính...
Thiếu nhà ở dành cho sinh viên là vấn đề nhức nhối toàn cầu. Nhiều quốc gia sở hữu nền giáo dục đại học phát triển, thu hút đông sinh viên quốc tế như Australia, Hà Lan... cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở cho thuê. Giải pháp của các quốc gia có thể kể đến như xây mới, mở rộng kí túc xá có sẵn, hỗ trợ sinh viên quốc tế...