Bộ GTVT yêu cầu giám sát đặc biệt đối với Hãng hàng không VietJet Air

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký ban hành Chỉ thị số 08 /CT-BGTVT ngày 26/12/2018 về việc đảm bảo an ninh, an toàn khai thác hàng không, đặc biệt trong dịp các kỳ nghĩ lễ tết sắp tới - nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.

Bộ GTVT yêu cầu giám sát đặc biệt đối với Hãng hàng không VietJet Air

Nội dung chỉ thị nêu rõ, tình trạng để xảy ra liên tiếp các sự cố hàng không của các hãng hàng không Việt Nam nói chung và của Hãng hàng không Vietjet Air nói riêng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không, tâm lý của hành khách tham gia bằng đường hàng không.

Bộ Giao thông vận tải nghiêm khắc cảnh cáo hãng hàng không VietJet đã để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay trong thời gian vừa qua.

Để khắc phục tình trạng trên và đảm bảo an toàn, an ninh hàng không và duy trì hoạt động vận tải hàng không, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Kỷ Hợi năm 2019, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo và nghiêm túc triển khai Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm an ninh an toàn, chất lượng dịch vụ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn, an ninh hàng không đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác tàu bay của Hãng hàng không Vietjet Air (đặc biệt kiểm tra về bằng cấp, chứng chỉ của Tổ bay, nhân viên kỹ thuật phục vụ các chuyến bay, thời gian làm việc). Đánh giá lại toàn bộ yếu tố khai thác quản lý, đảm bảo kỹ thuật đối hãng hàng không VietJet Air.

Chỉ thị của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với Hãng hàng không VietJet Air; đặc biệt là ở các cảng hàng không, sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.

Yêu cầu khẩn trương hoàn thành kết luận điều tra nguyên nhân xảy ra các sự cố nghiêm trọng uy hiếp an toàn bay trong thời gian qua; nghiên cứu việc cấp slot cho các chuyến bay nhằm đảm bảo thời gian giãn cách của các chuyến bay, tăng chuyến bay vào khung giờ thấp điểm; giảm chuyến bay vào khung giờ cao điểm; xem xét thời gian quay vòng chuyến bay hợp lý (bố trí thời gian để đảm bảo kiểm tra an toàn bay, vệ sinh tàu bay và các thủ tục cần thiết khác cho chuyến bay);

Tạm thời chưa cấp phép khai thác tăng chuyến đối với hãng hàng không Vietjet Air cho đến khi có kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố chuyến bay VJ689 ngày 25/12/2018; trường hợp đặc biệt có văn bản báo cáo Bộ GTVT xem xét, giải quyết

"Bộ GTVT yêu cầu Công ty cổ phần hàng không Vietjet nghiêm túc thực hiện các quy định, quy trình về an toàn khai thác tàu bay; lập kế hoạch bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo dưỡng phù hợp với yêu cầu khai thác; rút kinh nghiệm sâu sắc nguyên nhân gây ra các sự cố, khẩn trương đề ra các biện pháp khắc phục một cách tổng thể, toàn diện và cơ bản nhằm đảm bảo mục tiêu an toàn chuyến bay là trên hết, không vì mục đích lợi nhuận làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh và chất lượng phục vụ chuyến bay; xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan dẫn đến sự cố nghiêm trọng; điều chỉnh người chịu trách nhiệm khai thác tàu bay của hãng" - nội dung chỉ thị nhấn mạnh.

Vietjet cũng phải rà soát toàn bộ các quy trình về khai thác, bảo dưỡng tàu bay, công tác tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện người lái tàu bay, kịp thời phát hiện những bất cập để thực hiện khắc phục, chấn chỉnh, hoàn thiện nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác tàu bay; ... để phục vụ tốt nhất đặc biệt trong giai đoạn vận chuyển cao điểm dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2019.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ