Bộ GTVT “xin thêm” 800 tỷ bảo trì đường bộ

GD&TĐ - Bộ GTVT Việt Nam vừa kiến nghị Chính phủ tăng thêm 10%/năm vốn bảo trì đường bộ giai đoạn 2021 – 2025 so với năm 2020. Lý do là bởi nguồn vốn 8.000 tỷ đồng/năm không đủ đáp ứng nhu cầu.

Cần minh bạch phí bảo trì đường bộ. Ảnh minh họa.
Cần minh bạch phí bảo trì đường bộ. Ảnh minh họa.

Xin thêm trên 9.000 tỷ đồng cải thiện giao thông

Hiện, mỗi năm Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) được cấp khoảng 8.000 tỷ đồng bảo trì 24.000km quốc lộ, bình quân hơn 333 triệu đồng/km/năm. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết số kinh phí trên mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu. Cơ quan chủ quản – Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ đồng ý tăng thêm 10%/năm số vốn trên, tương ứng 800 tỷ đồng/năm trong vòng 5 năm tới, 2021 - 2025, để bổ sung cho hoạt động bảo trì này.

Nếu đề xuất trên được Chính phủ thông qua, trong 5 năm, tổng nguồn vốn đầu tư công phải chi thêm vào khoảng 4.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn trên tương đương chi phí dự kiến đầu tư mới tuyến cao tốc vành đai phía Tây TP Cần Thơ đi qua 5 quận huyện, kết nối quốc lộ 91 và 61C, dài 19,4 km, nhằm giảm chi phí thời gian và chi phí vận chuyển khi cả miền Đông và Tây Nam Bộ hiện chỉ có 2 tuyến cao tốc.

Ngoài đề xuất tăng thêm tiền bảo trì quốc lộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ 5 nhóm giải pháp với tổng chi phí đề xuất 9.290 tỷ đồng. Nhóm 1, xử lý hơn 500 nút giao cắt đồng mức, 69 cầu vượt nhẹ. Cụ thể như sửa chữa vuốt nối các góc giao, làn chờ rẽ, lắp thêm đèn tín hiệu, biển báo, sơn kẻ đường, tăng chiếu sáng.

Nhóm 2, tăng các hạng mục an toàn giao thông vào ban đêm. Như lắp đặt tấm chống chói tại các dải phân cách giữa. Lắp đinh phản quang tim đường, điện chiếu sáng tại các điểm dân cư, các vị trí nguy hiểm trên đường.

Nhóm 3, tăng cường an toàn giao thông tại các đoạn đèo dốc như lắp đặt hộ lan 2 – 3 tầng, tường phòng hộ, tường lốp, con xoay, đường cứu nạn, hốc cứu nạn…

Nhóm 4, tăng cường các công trình, thiết bị an toàn giao thông, báo hiệu đường bộ. Như sơn kẻ mặt đường, đinh phản quang, tiêu phản quang, biển báo hiệu. Sửa chữa, lắp đặt hộ lan các vị trí còn thiếu.

Nhóm 5, mở rộng mặt cầu, mặt đường các vị trí bị thắt hẹp, các đoạn lưu lượng giao thông lớn như đường cao tốc Hà Nội - Bắc Ninh, Quốc lộ 3 mới. Nâng cấp mở rộng đạt 4 làn xe một số đoạn trên Quốc lộ 1 lưu lượng giao thông lớn nhưng chỉ có 2 làn xe cho cả chiều. Xây dựng thêm đơn nguyên mới để tương thích với bề rộng mặt đường như cầu: Xương Giang, Như Nguyệt, Sông Gianh và Quán Hàu.

Công khai, tránh tham nhũng

PGS.TS Hoa Hữu Lân, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng đường giao thông cũng giống như các phương tiện, sử dụng nhiều thì sẽ xuống cấp, việc bảo trì bảo dưỡng là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải làm rõ nhiều vấn đề khi tăng thêm ngân sách, trong đó có việc sử dụng ngân sách hiện tại đã thực sự hiệu quả hay chưa, có thất thoát, lãng phí ở khâu nào hay không. Khi tăng thêm ngân sách thì sẽ được thực hiện như thế nào, công khai minh bạch sử dụng nguồn vốn Nhà nước ra sao.

“Rất nhiều đại án có liên quan đến các công trình giao thông bị khui ra thời gian qua. Nó cho thấy tình trạng tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực này không hiếm. Thậm chí có người còn nói vui rằng chỉ mong có sạt lở, đường hỏng, thì có dự án, có việc làm và có tiền. Do vậy, sử dụng vốn Nhà nước, khâu yếu nhất hiện nay là không minh bạch, không rõ ràng, nhiều khoản chi không có trong quy định, thất thoát nhiều”, PGS.TS Hoa Hữu Lân cho hay.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông phải công khai từng hạng mục một cách chi tiết về bảo trì đường bộ, từ khâu lập dự án, đơn vị thi công, giám sát đến nghiệm thu. Bộ phận kiểm toán và các ngành chức năng phải làm hết trách nhiệm của mình trong kiểm soát nguồn tiền này.

Phải làm rõ đoạn đường quốc lộ nào sử dụng ngân sách Nhà nước để bảo trì. Đối với những đoạn có trạm thu phí, trạm BOT thì phải sử dụng nguồn thu từ các trạm này để bảo trì. Chống tham nhũng bằng cách kiểm soát chặt nguồn vốn. Khoản tiền lớn như vậy cần được Quốc hội phê duyệt, kiểm tra, giám sát.

“Hiện, ngân sách Nhà nước khá eo hẹp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Không chỉ đường bộ mà đường sắt, đường không, đường thủy… đều rất khó khăn. Do đó cần phải cân đối để phát triển các loại hình giao thông khác, tránh tình trạng bất công trong đầu tư công”, PGS.TS Hoa Hữu Lân chia sẻ.

Trước đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cấp thêm 799 tỷ đồng để sửa chữa các tuyến đường hư hỏng sau đợt mưa lũ tháng 10, tháng 11 vừa qua. Trong đó, chi phí sửa đường quốc lộ là 679 tỷ đồng và đường sắt là 120 tỷ đồng.

Theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, cần phải gắn trách nhiệm với việc sử dụng ngân sách theo từng hạng mục. Tránh tình trạng tham nhũng gây nhức nhối dư luận thời gian qua như dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hay tiêu cực tại các trạm BOT. Chìa khóa để thực hiện điều này là bắt buộc phải công khai, minh bạch, kiểm tra giám sát thực chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ