Bộ GTVT muốn áp quy định quản lý Grab car như với taxi

Cho rằng việc bổ sung điều kiện kinh doanh vận tải là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, Bộ GTVT nêu phương án quản lý tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi. 

Bộ GTVT muốn áp quy định quản lý Grab car như với taxi

Đây là nội dung được thể hiện trong báo cáo của Bộ GTVT phục vụ phiên giải trình về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trước UB Tư pháp của Quốc hội. Theo đó, quản lý phương tiện vận tải là một nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ GTVT mà UB Tư pháp đề nghị Bộ chủ quản phải giải trình.

grab va tax.jpg

Báo cáo về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, quá trình thí điểm với Uber, Grab vừa qua cho thấy, phương thức hoạt động của các xe sử dụng hợp đồng điện tử là tương đối giống với xe taxi (có nhiều nét tương đồng về phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe,…).

Đại diện Bộ GTVT, tại phiên giải trình, cũng nhấn mạnh quan điểm, việc bổ sung điều kiện kinh doanh là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Một trong ba điều kiện được bổ sung mới là điều kiện đối với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên mới được áp dụng hợp đồng vận chuyển hành khách bằng văn bản điện tử.

Đối với điều kiện kinh doanh này, báo cáo cho biết, Bộ GTVT đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ đối với dự thảo nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế nghị định số 86/2014/NĐ-CP).

Quá trình tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, Bộ đã chủ trì, mời UB An toàn giao thông Quốc gia, Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội taxi Đà Nẵng, Hà Nội, TPHCM và các cơ quan, đơn vị tham mưu trực thuộc Bộ để tiếp thu vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động xe taxi và xe hợp đồng điện tử.

Hiện tại, hai quan điểm khác nhau về việc quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử (là xe taxi hay là xe hợp đồng) vẫn đang là vấn đề còn nhiều vướng mắc do mỗi phương án đều có những ưu điểm và hạn chế khi đưa ra để quản lý, tác động rất lớn đến xã hội và hoạt động kinh doanh vận tải của các doanh nghiệp, hợp tác xã.

Tuy nhiên, quá trình thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử thời gian qua, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thí điểm đúng loại hình Thủ tướng đã cho phép, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy sự đổi mới trong hoạt động vận tải.

Đối với người dân, quan tâm nhất đó là sự thuận lợi và chi phí cho chuyến đi. Yêu cầu đối với đơn vị kinh doanh vận tải đó là an toàn cho hành khách, thực hiện đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải và các quy định khác liên quan như thuế, trách nhiệm đối với người lao động.

Quá trình thí điểm cho thấy, phương thức hoạt động của các xe sử dụng hợp đồng điện tử là tương đối giống với xe taxi (có nhiều nét tương đồng về phạm vi hoạt động chủ yếu trong đô thị, đối tượng khách hàng, phương thức gọi xe,…).

Bộ GTVT cũng cho rằng, mặc dù việc quy định là xe taxi hiện còn có những hạn chế (bao gồm cả việc chưa phù hợp với một số luật hiện nay) như đã nêu trên nhưng đáp ứng được việc không triệt tiêu ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý và không ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân.

“Vì vậy, trên cơ sở kết quả thí điểm và những nét tương đồng giữa xe taxi với xe dưới 9 chỗ ứng dụng hợp đồng điện tử, để tăng cường công tác quản lý đối với xe dưới 9 chỗ chở khách, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất chọn phương án quản lý áp dụng quy định tất cả các xe kinh doanh vận tải theo hợp đồng dưới 9 chỗ mà ứng dụng hợp đồng điện tử thì là xe taxi” - báo cáo nêu rõ.

Theo dantri

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ