Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

GD&TĐ - Chiều tối 29/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo họp báo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương; Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an cùng chủ trì họp báo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại họp báo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại họp báo.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Coi thi là công đoạn đầy khó khăn, phức tạp vì diễn ra đồng thời trên toàn quốc, với quy mô lớn - hơn 1 triệu thí sinh tham gia và khoảng 250 nghìn cán bộ làm công tác tổ chức Kỳ thi.

Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cơ bản đã hoàn thành tốt đẹp.

Quang cảnh buổi họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng: Tổ chức coi thi nghiêm túc, đúng kế hoạch

Báo cáo về công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết:

Theo báo cáo của các địa phương, công tác coi thi của Kỳ thi tại tất cả các điểm thi diễn ra theo đúng kế hoạch. Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả Kỳ thi có 41 thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Công tác phòng chống gian lận công nghệ cao đã được quán triệt tại Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và là một trong những nội dung trọng tâm được tập huấn từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình coi thi, cá biệt còn một số thí sinh cố tình vi phạm quy chế sử dụng điện thoại trong phòng thi và một số giáo viên chưa thực hiện đúng, đủ quy trình quy định khi coi thi. Trong đó có việc 2 thí sinh tại Cao Bằng và Yên Bái sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi gửi cho người thân nhờ giải đề thi. Hình ảnh sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội và báo chí.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Cục An ninh chính trị nội bộ xác minh làm rõ và đình chỉ 2 thí sinh trên. Hiện Cục An ninh chính trị nội bộ đang tiếp tục làm rõ những vấn đề khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hai sự việc trên không ảnh hưởng đến kết quả tổ chức Kỳ thi.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin.

Kết thúc coi thi có 41 thí sinh bị đình chỉ thi (Ngữ văn: 12 thí sinh, Toán: 4 thí sinh; Khoa học tự nhiên: 11 thí sinh; Khoa học xã hội: 11 thí sinh; Ngoại ngữ: 3 thí sinh. Trong đó có 1 thí sinh mang và sử dụng tài liệu trong phòng thi, 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi).

6 cán bộ coi thi bị dừng thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ, thí sinh chủ động phát hiện các thiết bị công nghệ cao (điện thoại, đồng hồ thông minh…): 40 trường hợp. Đặc biệt, có 1 thí sinh tại Vĩnh Phúc đã phát hiện và báo giám thị về 1 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.

Phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc họp báo.

Phóng viên đặt câu hỏi tại cuộc họp báo.

Đánh giá sơ bộ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước. Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm nghiêm túc, đúng Kế hoạch.

Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.

Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỳ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi.

Do Kỳ thi được triển khai trên diện rộng, với sự tham gia của hơn một triệu thí sinh nên không tránh khỏi những tình huống phát sinh cần xử lý. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của Quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của Kỳ thi.

Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là: 1.024.063. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104, chiếm 5,58%. Tổng số thí sinh chỉ xét tốt nghiệp là 47.769, chiếm 4.66%. Tổng số thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 34.155, chiếm 3.33%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Tự nhiên là 323.187, chiếm 31,52%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi Khoa học Xã hội là 566.921, chiếm 55,30%.

report

Lần đầu tiên thực hiện quy trình có kiểm soát đề thi bằng phần mềm để loại trừ sự trùng lặp

Ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi thông tin, đề thi năm nay giữ ổn định. Đề thi nằm trong chương trình lớp 12, không ra vào chương trình giảm tải và có tính phân hóa. Năm nay, lần đầu tiên Bộ thực hiện quy trình có kiểm soát bằng phần mềm để loại trừ sự trùng lặp.

Ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi thông tin tại cuộc họp báo.

Ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi thông tin tại cuộc họp báo.

Trả lời liên quan đến ý kiến cách ra đề văn theo lỗi cũ, ít tính mở, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết: Đề thi Ngữ văn có 2 phần Đọc hiểu và Làm văn. Phần Đọc hiểu cơ bản ngữ liệu sử dụng không nhất thiết phải nằm trong chương trình, đây là điểm mới, có tính mở cao.

Với phần Đọc hiểu, tổ ra đề luôn hướng đến các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục. Với phần làm văn, học sinh năm nay vẫn đang học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 và đề thi phải ra trong tác phẩm nằm trong chương trình theo như quy định. Đây cũng là lý do các đề thi có thể có sự trùng lặp. Tuy đề ra cùng 1 tác phẩm, nhưng điều quan trọng nhất là lệnh hỏi hoàn toàn khác nhau.

report

Người soạn câu hỏi, người lựa chọn câu hỏi để đưa vào ngân hàng đề là khác nhau

Vẫn liên quan đến câu hỏi liên quan đến đề thi, cụ thể là về chuẩn bị ngân hàng đề, ông Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, việc này cơ bản phải bảo đảm công bằng cho thí sinh và có độ phân hóa.

Dù đội ngũ thầy cô ra đề đều là những chuyên gia hàng đầu, nhưng khi vào trại đề vẫn được tập huấn lại rất kỹ lưỡng; đặc biệt việc bảo đảm 4 mức độ nhận thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao.

Ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi.
Ông Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng Ban đề thi.

Về cấu trúc, cơ bản đề thi có cấu trúc tương tự như năm trước với khoảng 50% câu hỏi ở mức độ nhận biết, khoảng 25% câu hỏi ở mức độ thông hiểu, khoảng 25% câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Ông Nguyễn Ngọc Hà cũng thông tin có sử dụng phần mềm để quét, rà soát dữ liệu để tránh đề bị trùng lặp. Đối với trường hợp đề thi vào lớp 10 Hà Nội, Kỳ thi vào lớp 10 diễn ra sau khi Hội đồng đề làm việc nên Hội đồng không có thông tin. Khi được biết, Hội đồng đã họp và thấy rằng đề thi Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội và đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 ngữ liệu khác nhau, lệnh hỏi cũng khác nhau. Với ý kiến về trùng lặp với đề thi ở Nghệ An, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, đề thi này không có trên mạng, nên không có dữ liệu để phần mềm quét.

Cùng với đó, rút kinh nghiệm từ quy trình cũ, năm nay người soạn câu hỏi, người lựa chọn câu hỏi để đưa vào ngân hàng đề là khác nhau.

report

Tiếp tục thẩm tra xác minh việc thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an – ghi nhận, thời gian qua, báo chí đã phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền về bảo đảm an ninh, an toàn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Qua đó, góp phần vào thành công chung kỳ thi và đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an

Liên quan đến ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết đã phối hợp xác minh và xác định được người kết nối. “Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, điều tra, xác định xem có lời giải chuyển vào bên trong phòng thi hay không” - Thiếu tướng Trần Đình Chung nói và cho biết, hiện chưa phát hiện thấy có việc này.

Theo Thiếu tướng Trần Đình Chung, trước kỳ thi, Bộ Công an đã triệt phá nhóm đối tượng mua bán sử dụng thiết bị công nghệ cao. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến thí sinh và nhân dân, hướng đến kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế.

Ngoài ra, cần nghiên cứu đề xuất thiết bị chống thiết bị sử dụng công nghệ cao được giấu ở trong người. Đồng thời chú trọng tập huấn nâng cao khả năng phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cho cán bộ coi thi.

Phóng viên đặt câu hỏi tại họp báo.

Phóng viên đặt câu hỏi tại họp báo.

Về khái niệm lộ, lọt, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết hiện đã có Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.

Liên quan đến 2 thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra ngoài, Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết, sẽ xem xét tình tiết tăng nặng, tăng nhẹ để xử lý theo quy định. Trong trường hợp phải xử lý hình sự sẽ căn cứ vào quy định pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trước khi xử lý cần tính đến yếu tố nhân văn.

“Chúng tôi tiếp tục thẩm tra xác minh việc thí sinh chụp ảnh đề thi chuyển ra bên ngoài. Khi có kết quả sẽ được thông tin tới báo chí” - Thiếu tướng Trần Đình Chung cho hay.

report

Khâu ra đề thi là khó khăn, vất vả nhất trong các công đoạn của Kỳ thi

Liên quan đến đề thi, ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) – nhìn nhận, đây là nội dung quan trọng và năm nào cũng có nhiều ý kiến. Ban ra đề thi gần 100 cán bộ ở khắp các vùng miền và thực hiện chuyên môn trong vòng gần 1 tháng.

Ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Ông Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT).

Theo ông Chương, đề thi được đánh giá độ tin cậy cao, đảm bảo về cấu trúc, phân hoá. Bộ cũng đã lắng nghe ý kiến từ dư luận và tiếp tục hoàn thiện hơn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên diện rộng, phải đảm bảo kiến thức trong khung chương trình. Việc phân cấp kỳ thi về cho các địa phương, Bộ GD&ĐT đã cân nhắc rất nhiều.

Tuy nhiên, trong các công đoạn của kỳ thi, khâu ra đề thi là khó khăn, vất vả nhất. Đề thi phải đảm bảo tính công bằng, đánh giá chất lượng thí sinh vùng miền trên cả nước. Do đó nếu giao về cho các địa phương, công tác tổ chức sẽ khó khăn hơn nhiều.

Ngoài ra, nếu giao về các địa phương sẽ khó đảm bảo sự công bằng cho học sinh trên phạm vi cả nước, bởi có thể sẽ có tỉnh ra đề dễ và có địa phương ra đề khó. Ngoài ra, còn cần tính toán tới vấn đề về kinh tế, xã hội.

Theo ông Chương, thực tế hiện kỳ thi đã có sự phân cấp về địa phương rất cao, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.

report

6 nhóm vấn đề khẳng định thành công của Kỳ thi

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đến thời điểm này được đánh giá thành công, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đến thời điểm này được đánh giá thành công, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế.

Kết luận họp báo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: công tác coi thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đến thời điểm này được đánh giá thành công, bảo đảm nghiêm túc, đúng quy chế, thể hiện ở 6 nhóm vấn đề:

Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương sâu sát, kịp thời. Điều này thể hiện từ việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của Bộ GD&ĐT, các hướng dẫn, Chỉ thị của các tỉnh/thành và nhiều văn bản khác.

Cùng với đó, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình tổ chức Kỳ thi được dự báo; trong đó xác định ngay từ đầu diễn biến phức tạp của việc sử dụng thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận để có biện pháp phòng, chống.

Thứ hai là công tác phối hợp thống nhất, xuyên suốt, nhuần nhuyễn, kịp thời từ Trung ương đến địa phương, các bộ ngành. Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ có 2 từ khóa quan trọng là tăng cường chỉ đạo và phối hợp tổ chức Kỳ thi. Trách nhiệm của bộ ngành, địa phương cũng được phân công rõ; trong đó UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi tại địa phương.

Thứ ba, công tác chuẩn bị tổ chức chủ động, kịp thời, chu đáo, toàn diện của địa phương, hướng tới Kỳ thi nghiêm túc, khách quan, trung thực, an toàn.

Thứ tư, công tác an ninh, an toàn được bảo đảm; trong đó có vai trò chủ động rất lớn của lực lượng công an.

Thứ năm, công tác truyền thông về Kỳ thi của ngành và phản ánh về Kỳ thi của cơ quan truyền thông, báo chí hết sức chủ động, kịp thời, đúng, trúng. Nhìn chung, các phương tiện truyền thông đại chúng đánh giá tốt về Kỳ thi, Kỳ thi giảm nhiều áp lực, căng thẳng.

Thứ 6, về công tác chuyên môn, hệ thống văn bản chỉ đạo đầy đủ, toàn diện, ngày càng khoa học, chặt chẽ, bao quát hơn; công tác tập huấn cho các chủ thể tham gia Kỳ thi kỹ lưỡng; công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đề thi, in sao đề thi, công tác thanh tra kiểm tra… được chuẩn bị, triển khai nghiêm túc.

Đạt được kết quả trong 6 nhóm vấn đề như trên, theo Thứ trưởng, là sự cố gắng, nỗ lực của toàn hệ thống, không chỉ ngành Giáo dục.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được khá toàn diện, vẫn còn có sự việc đáng tiếc xảy ra. Kỳ thi còn có 41 thí sinh vi phạm quy chế; trong đó 40 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi. 38 trường hợp cán bộ coi thi đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời; 2 trường hợp phán tán đề ra ngoài. Điều này cho thấy tính chất phức tạp của Kỳ thi với hơn 1 triệu thí sinh tham gia; 2 trường hợp này là cá biệt, đáng tiếc.

Chia sẻ liên quan đến đề thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định đây là nội dung quan trọng, thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Cùng với kinh nghiệm tích lũy từ nhiều năm, Kỳ thi năm nay tiếp tục có những đổi mới từ quy trình ra đề đến lựa chọn cán bộ. Thành viên tham gia Ban Đề thi được lựa chọn là những giáo viên có nhiều kinh nghiệm, năng lực, bảo đảm trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cân đối vùng miền và các giảng viên đại học.

Đề thi năm nay được đánh giá có độ tin cậy cao, bảo đảm yêu cầu về cấu trúc và các mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao). Các ý kiến phản ánh về đề thi, Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo thi sẽ hết sức lưu ý, ghi nhận để phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn thời gian tiếp theo. Những quan tâm về đề thi cũng cho thấy yêu cầu đổi mới với giáo dục phổ thông là cần thiết, cấp bách.

Tại họp báo, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới. Trong đó lưu ý công tác chấm thi dài ngày, đòi hỏi cao sự nghiêm túc, khách quan. “Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát”, Thứ trưởng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.