Chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Theo đó, Bộ sẽ rà soát, cập nhật tất cả các khâu để tránh sai sót, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới; bảo đảm an toàn từ chuẩn bị đề, chấm thi, xác nhận kết quả, công bố điểm, đăng ký xét tuyển…
Tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia trên thế giới. Kế hoạch tổ chức kỳ thi năm nay cần có phương án tổng thể, kịch bản, lực lượng thường trực hỗ trợ, cơ sở vật chất… để có thể ứng phó toàn diện, đầy đủ, hiệu quả, tình hình dịch bệnh cũng như tình huống thiên tai, bão lũ. Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, toàn diện cho thí sinh.
Đến thời điểm này, các công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã thực hiện đúng tiến độ và kế hoạch đề ra. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố đề tham khảo, được giáo viên, chuyên gia đánh giá là vừa đảm bảo tốt nghiệp, vừa đảm bảo độ phân hoá phù hợp...
Để có những bước chuẩn bị tốt nhất, các đơn vị cần tăng cường chủ động phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Bộ để xử lý công việc nhanh gọn, đúng chức năng nhiệm vụ. Công tác Thanh tra phải khách quan, trách nhiệm hiệu quả.
Năm 2020 là năm đầu tiên giao trách nhiệm cho địa phương và đã đạt được những thành quả bước đầu, tinh thần đó sẽ tiếp tục phát huy trong năm nay với phương châm “Chặt chẽ, khách quan, công bằng nhưng không chủ quan”. Đến thời điểm này, Bộ đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT; Hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; Kế hoạch tổ chức Kỳ thi; xây dựng ma trận đề thi, đề thi tham khảo và bổ sung hoàn thiện ngân hàng câu hỏi thi; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống phần mềm phục vụ quản lý, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2021.
Sẵn sàng ứng phó đặc biệt cho tình huống đặc biệt
Trái tim của kỳ thi là khâu làm đề thi. Vì vậy quan tâm hàng đầu là đề phải đúng và chính xác. Vấn đề bảo mật đề cần đặc biệt đề cao. Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt các phương án, sẵn sàng cho tình huống có thể phải thi trên 2 đợt do yếu tố khách quan. Sẵn sàng ứng phó đặc biệt cho tình huống đặc biệt. Bởi vậy, cần lưu ý công tác phối hợp giữa các bộ phận, các cơ quan. Đây là vấn đề tìm cách làm, sao cho nhẹ nhàng mà vẫn hiệu quả.
Ngoài ra, công tác thanh tra, công nghệ thông tin, phần mềm, truyền thông… tiếp tục triển khai theo kế hoạch. Chú ý truyền thông chung và các điểm mới của kỳ thi tới các cán bộ giáo viên, thí sinh, địa phương một cách rõ rằng và hiệu quả nhất.
Đặc biệt chú ý hỗ trợ các điều kiện cho người dự thi, cán bộ coi thi. Mục tiêu là giảm tối đa thí sinh bị định chỉ thi bởi các lý do sơ suất bằng cách tăng cường nhắc nhở thí sinh từ các vòng ngoài ở những lỗi thường gặp. Cùng với đó, nghiên cứu thêm cách xử lý tình huống khi thí sinh đến muộn vì lý do đặc biệt.