Bộ GD&ĐT và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký kết Chương trình phối hợp hoạt động

GD&TĐ - Hôm nay (22/10), tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2007- 2013 và ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2014 - 2020 giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (phải) và Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng (trái) ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2014 - 2020 giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Bộ GD&ĐT
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận (phải) và Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng (trái) ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2014 - 2020 giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Bộ GD&ĐT

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Chủ tịch Công đoàn GDVN Trần Công Phong cùng lãnh đạo các vụ chức năng (Bộ GD&ĐT);

Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐ cùng các đại biểu dự Hội nghị.

Phối hợp nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề

Trong các phong trào thi đua, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giữ vai trò là nòng cốt, đã có hàng ngàn tập thể cá nhân trong ngành Giáo dục được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Báo cáo Tổng kết Nghị quyết Liên tịch và chương trình phối hợp giai đoạn 2007 – 2013, ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn - tổng kết: Trong 5 năm qua (2005 – 2010), các cấp công đoàn đã phối hợp với các cơ sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm giáo dục thường xuyên… tổ chức nhiều phong trào thi đua học tập với các hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế địa phương, ngành và của đơn vị.

Theo số liệu báo cáo của 63/83 LĐLĐ tỉnh, thành phố, từ năm 2005 – 2010 đã tổ chức 16.408 lớp học cho hơn 4 triệu lượt CNVCLĐ học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, 525.260 công nhân lao động được học lý thuyết, thi tay nghề. Hằng năm có hàng vạn công nhân lao động đạt danh hiệu thợ giỏi cấp cơ sở, danh hiệu bàn tay vàng cấp thành phố, cấp ngành, trung ương.

Trong những năm qua, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” cũng đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động và học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” tiếp tục trở thành phong trào thi đua truyền thống của ngành Giáo dục, được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, người lao động và học sinh, sinh viên nhiệt tình hưởng ứng và tích cực tham gia. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi lễ
 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi lễ

Chuyên sâu và sáng tạo

Thực hiện mục tiêu từng giai đoạn của Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020”, nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức cho công nhân, viên chức, lao động về học tập và nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, học tập suốt đời, Tổng Liên đoàn LĐVN và Bộ GD&ĐT đã ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2014 – 2020. 

Tổng Liên đoàn LĐVN có trách nhiệm tuyên truyền cho đội ngũ công chức, viên chức, lao động hiểu về lợi ích, ý nghĩa của việc học tập; chủ trì tổ chức tập huấn cho cán bộ chủ chốt, cán bộ công đoàn các cấp nắm vững chủ trường và các biện pháp nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề cho cán bộ công nhân viên; phát hành, in ấn tài liệu tuyên truyền về học tập nâng cao trình độ, khuyến khích mọi người học tập nâng cao trình độ; tổ chức đa dạng hóa các loại hình đào tạo; vận động người nghèo tham gia các lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo các hình thức tuyên truyền về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua hội nghị, hội thảo; chỉ đạo các cơ sở thường xuyên tổ chức dạy văn hóa, mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nhu cầu và đối tượng công nhân, viên chức, lao động; nghiên cứu, tổ chức các hình thức động viên giúp đỡ viên chức, công nhân lao động tham gia học tập.

Phát biểu tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đánh giá cao những chủ trương quyết liệt và mạnh mẽ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để có một cơ chế hoạt động riêng - nhất là trong lĩnh vực đào tạo. Từ đó có những đóng góp nhất định trong việc triển khai các hoạt động chuyên môn cũng như những đóng góp cho ngành giáo dục. 

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Tổng Liên đoàn LĐ có sự chuyên sâu và sáng tạo hơn nữa để đạt được mục tiêu đặt ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ