Báo cáo đánh giá công tác phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp giai đoạn 2015-2020 cho thấy, trong 5 năm qua, hai Bộ đã tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động phối hợp thiết thực, hiệu quả, công tác pháp chế ngành Giáo dục được triển khai một cách bài bản, đảm bảo chất lượng.
Công tác phối hợp được triển khai một cách toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động chuyên môn pháp chế về xây dựng pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật…
Đặc biệt, hai Bộ đã phối hợp trong việc xây dựng, thẩm định, trình Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục năm 2019 theo đúng chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh cua Quốc hội.
Hai Bộ có sự phối hợp hiệu quả trong công tác chuyên môn, góp phần thực hiện tốt công tác pháp chế và phát triển đội ngũ làm công tác pháp chế. Đội ngũ những người làm công tác pháp chế của ngành Giáo dục ngày càng được nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó tổ chức pháp chế của Bộ GD&ĐT được đánh giá là một trong những tổ chức pháp chế mạnh trong khối các Bộ, ngành.
Chất lượng văn bản do Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền về cơ bản đảm bảo chất lượng và tiến độ. Bộ GD&ĐT không còn trong danh sách các đơn vị nợ đọng văn bản.
Để tiếp nối những kết quả đã đạt được thời gian qua trong hoạt động phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp về công tác pháp chế, tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2020-2025.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì Hội nghị. |
Theo đó, trong giai đoạn 2020-2025, hai Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, đề án, dự án có liên quan đến giáo dục và đào tạo.
Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ tổ chức soạn thảo, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc bổ sung mới các văn bản phù hợp với quy định của hai Luật và các Luật mới được ban hành.
Hai Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính; công tác pháp chế…
Đối với công tác giáo dục và đào tạo, hai Bộ sẽ phối hợp triển khai Đề án tổng thể phát triển Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TPHCM thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật; Đề án “Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.
Đồng thời phối hợp trong việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên của trường đại học luật, góp phần nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ giảng viên luật.