Bộ GD&ĐT trân trọng những công trình sáng kiến đóng góp cho giáo dục

GD&TĐ - Sáng 10/11, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã tổ chức gặp mặt 14 tác giả đoạt giải thưởng Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018.

Bộ GD&ĐT trân trọng những công trình sáng kiến đóng góp cho giáo dục

Trân trọng những công trình, sáng kiến

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” được triển khai từ năm 2016 đến 2020 nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến.

Qua 5 tháng triển khai chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018, Ban tổ chức đã tiếp nhận 401 công trình, sáng kiến của 400 tác giả, nhóm tác giả trong nước và 1 nhóm tác giả là du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc.

Cụ thể, có 332 tác giả là giáo viên, giảng viên, trong đó 15 tác giả là giảng viên các trường quân đội, công an; 56 tác giả là học sinh, sinh viên; 6 tác giả là công chức, viên chức; 7 nhóm tác giả là start up về công nghệ, giáo dục.

Đặc biệt chương trình năm nay có 4 nhóm tác giả nhỏ tuổi nhất, sinh năm 2007, hiện đang là học sinh lớp 5 ở Hà Nội, Hà Tĩnh và Lào Cai.

Sau vòng sơ khảo, ban giám khảo đã chọn và giới thiệu 14 công trình, sáng kiến vào chung khảo. Đêm trao giải sẽ diễn ra vào tối (11/11), tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận, cuộc thi đã giúp ngành giáo dục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Trước cuộc cách mạng 4.0, nếu ngành giáo dục không đổi mới chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Vì vậy, những đóng góp của thế hệ trẻ là yếu tố quyết định giúp ngành giáo dục thực hiện chủ trương này.

Theo Thứ trưởng, các sáng kiến tham gia cuộc thi đều xuất phát từ thực tiễn, góp phần đổi mới phương pháp và sáng chế ra các công cụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu hiện đại. Các công trình đều hiệu quả với giáo dục, Bộ GD&ĐT sẽ theo dõi, xem xét lựa chọn các sản phẩm phù hợp để ứng dụng vào thực tiễn.

Cô Dương Thị Thu Hà và 2 học sinh cùng sáng kiến ra sản phẩm giúp trẻ bệnh down dễ tiếp thu kiến thức
 Cô Dương Thị Thu Hà và 2 học sinh cùng sáng kiến ra sản phẩm giúp trẻ bệnh down dễ tiếp thu kiến thức

Nhiều chương trình ứng dụng cao

Tại buổi gặp mặt, anh Nguyễn Huy Du- tác giả của sáng kiến Đèn học thông minh The Smart Light - cho rằng cuộc thi là sân chơi trí tuệ dành cho thế hệ trẻ đóng góp cho giáo dục, trong đó có cả nhưng bạn trẻ còn đang là học sinh.

Khi tham gia cuộc thi, anh cũng nhìn thấy khát vọng tìm tòi sáng tạo của các tri thức trẻ, đặc biệt là thầy cô giáo muốn đóng góp cho việc đổi mới giáo dục.

"Những công trình, sản phẩm của chúng tôi còn nhỏ bé, chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ từ ban tổ chức để có thể tiếp tục hoàn thiện sản phẩm của mình, có những cải tiến hơn để ứng dụng vào thực tiễn", anh Nguyễn Huy Du chia sẻ

Còn cô Dương Thị Thu Hà - giáo viên trường THPT Lê Lợi (Hà Nội), tác giả của công trình "Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng Down học đọc thông qua các các chủ đề của kỹ năng sống", cũng xúc động chia sẻ về quá trình sáng chế sản phẩm.

Cô Hà cho biết, sản phẩm đã giúp những trẻ em đặc biệt dễ tiếp thu kiến thức. Đặc biệt, khi ứng dụng sản phẩm, trẻ đã hào hứng hơn với môn học. Cuộc thi đã phát huy được sức mạnh, tâm huyết của giới trẻ.

Em Nguyễn Nga Nhi - học sinh Trường THPT Hà Nội - Amstedam, tác giả của công trình Toán tương tác, cũng xúc động cho biết, cuộc thi đã tạo sân chơi bổ ích cho người trẻ. Em muốn mang ý tưởng của mình giúp các bạn học sinh học toán một cách dễ dàng như chơi và cũng muốn các bạn tạo ra được những mô hình học tương tác như mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.