Bộ GD&ĐT trả lời cử tri về chương trình dạy tiểu học, lãng phí SGK

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT và đã được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2002 - 2003 đến nay.

Do vậy, hiện nay chương trình đang triển khai ở bậc tiểu học là một chương trình duy nhất. Tất cả các sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường tiểu học đều theo nội dung của chương trình này.

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng một số phương pháp, hình thức dạy học tiên tiến của thế giới vào các cấp học phổ thông như: dạy học giải quyết vấn đề, dạy học dự án, phương pháp "bàn tay nặn bột", mô hình trường học mới (VNEN), tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục,...

Những đổi mới trong chỉ đạo về phương pháp dạy học thời gian vừa qua không phải là thực hiện chương trình mới mà là "thực thi" những phương pháp, kỹ thuật dạy học mới, tiên tiến của thế giới nhằm tăng cường sự tích cực, hứng thú của học sinh trong học tập.

Việc áp dụng các mô hình này đã được Bộ GD&ĐT đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp thu những thành tố tích cực để nhân rộng tại những nơi có đủ điều kiện thực hiện.

Liên quan đến sách giáo khoa, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết 40/2000/NQ-QH10, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa hiện hành.

Bộ sách giáo khoa hiện hành được các nhà giáo, các nhà khoa học biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT (ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT), được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua.

Bộ GD&ĐT khẳng định: Nội dung SGK hiện hành cơ bản được giữ ổn định từ khi biên soạn (giai đoạn 2002-2008) đến nay.

Để khắc phục thực trạng SGK chỉ dùng được một lần, ngày 24/9/2018, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT chỉ đạo các sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tại địa phương về việc sử dụng, bảo quản tốt SGK, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội, yêu cầu giáo viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực và hướng dẫn học sinh không viết vào SGK trong quá trình thực hiện các hoạt động học.

Khi thực hiện hoạt động học, giáo viên cần hướng dẫn học sinh ghi phương án trả lời/lựa chọn vào vở để giải thích, trình bày, thảo luận. Học sinh cũng không cần phải chép lại đầu bài vào vở ghi.

Cùng với sự hướng dẫn sử dụng của giáo viên, cần sự phối hợp của cha mẹ học sinh và ý thức giữ gìn của học sinh. Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng SGK sao cho đúng cách, phát huy được tính tự chủ, sáng tạo của học sinh để cha mẹ học sinh phối hợp thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ