Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá kết quả 5 năm thực hiện thông tư, nêu lên những khó khăn tồn tại và bất cập trong quá trình thực hiện, những vấn đề phát sinh trong thực tế mà thông tư chưa đề cập đến. Đồng thời đặt ra những vấn đề sửa đổi bổ sung Thông tư phù hợp với pháp luật hiện hành, phù hợp với thực tiễn quản lí nhà nước của Bộ trong giai đoạn tiếp theo.
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết: Trong những năm qua, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo luôn được Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Thanh tra Bộ, lãnh đạo các đơn vị quan tâm và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm gắn liền với công tác lãnh đạo, điều hành.
Từ tháng 9/2014, Bộ GD&ĐT thành lập phòng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc Thanh tra Bộ; tổ chức tiếp công dân tại 2 điểm ở Hà Nội và TPHCM. Theo đó, Thanh tra Bộ trực tiếp công dân thường xuyên tất cả các ngày làm việc trong tuần. Lãnh đạo Bộ trực tiếp công dân định kì vào ngày 25 hàng tháng và tiếp đột xuất khi có công dân đăng kí.
Bộ GD&ĐT đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận, xử lí thông tin phản ánh kiến nghị của công dân về thi, tuyển sinh và các vấn đề nóng trong giáo dục. Xây dựng phần mềm thanh tra giáo dục thống nhất từ cấp Bộ, cấp Sở GD&ĐT và các trường đại học trực thuộc. Tổ chức triển khai tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo.
Hàng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các đơn vị trực thuộc Bộ và thuộc Bộ. Công tác phối hợp với UBND các cấp và các Sở GD&ĐT cũng được quan tâm trong việc giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Sau 5 năm thực hiện thông tư 40, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của Bộ GD&ĐT đã khắc phục được bất cập và đạt được các mục tiêu khi ban hành thông tư đặt ra. Công tác tiếp công dân thường xuyên của Bộ GD&ĐT, đặc biệt việc tiếp dân của người đứng đầu được quan tâm, góp phần đưa công tác tiếp dân ngày một quy củ, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị nội bộ.
Qua tiếp dân, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ tiếp dân được thường xuyên trau dồi. Nhờ kết hợp ứng dụng CNTT vào tiếp công dân, giải quyết đơn thư, đã khắc phục được hiện tượng công dân đến nhiều lần gặp nhiều người mà vẫn không được giải quyết hướng dẫn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận đề cập đến việc tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; Rà soát sửa đổi bổ sung Thông tư 40 phù hợp với quy định mới của Luật tiếp công dân 2013, Luật Tố cáo mới 2018; Tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ về giải quyết khiếu nại, tố cáo...