Bộ GD&ĐT thông báo học bổng du học Bê-la-rút

GD&TĐ - Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT) thông báo học bổng đi học tại Bê-la-rút diện Hiệp định năm 2018.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Theo đó, tổng số có 15 học bổng, bao gồm 3 học bổng đào tạo trình độ đại học, 5 học bổng đào tạo trình độ thạc sĩ và 2 học bổng đào tạo trình độ tiến sĩ; 5 học bổng thực tập sinh.

Thời gian đào tạo cụ thể như sau: Chương trình đại học (cử nhân hoặc kỹ sư, chuyên gia): 4 - 5 năm học (không bao gồm 1 năm học dự bị tiếng); Chương trình thạc sĩ: 1 - 2 năm học (không bao gồm 1 năm học dự bị tiếng); Chương trình tiến sĩ: 3 - 4 năm (không bao gồm 1 năm học dự bị tiếng); Chương trình thực tập sinh: từ 3 tháng đến 1 năm.

Các ứng viên phải thông thạo tiếng Bê-la-rút hoặc tiếng Nga. Trường hợp chưa có ngoại ngữ ứng viên phải tự thu xếp học phí 1 năm học dự bị tiếng.

Chế độ học bổng bao gồm: Chính phủ Bê-la-rút miễn học phí, cấp bảo hiểm y tế, học bổng hàng tháng cho thời gian khóa học chuyên ngành theo mức quy định của Chính phủ Bê-la-rút đối với lưu học sinh học bổng Hiệp định (với điều kiện người nhận học bổng phải hoàn thành các môn học theo yêu cầu của chương trình đào tạo).

Chính phủ Việt Nam cấp: vé máy bay một lượt đi và về, phí đi đường, lệ phí làm hộ chiếu, visa và cấp bù sinh hoạt phí hàng tháng cho toàn khóa học theo chế độ hiện hành.

Điều kiện dự tuyển: Ứng viên dự tuyển cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện chung sau đây:

Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật;

Đủ sức khỏe để học tập tại nước ngoài. Khi nhập học và định kỳ hằng năm phía Bê-la-rút sẽ tổ chức khám lại sức khỏe. Trường hợp bị phát hiện có bệnh, không đủ sức khỏe do giả mạo hồ sơ để đi học sẽ phải về nước và tự chịu mọi chi phí liên quan, kể cả vé máy bay và phải bồi hoàn kinh phí cho Nhà nước theo quy định hiện hành;

Chưa đăng ký dự tuyển chương trình học bổng nào khác tại cùng thời điểm với thông báo này (từ khi thông báo có hiệu lực đến khi có kết quả sơ tuyển);

Cam kết hoàn thành chương trình đào tạo và trở về phục vụ tại cơ quan cử đi học hoặc theo yêu cầu của Nhà nước. Những người không hoàn thành chương trình đào tạo, tự bỏ học, bị buộc thôi học hoặc sau khi tốt nghiệp không trở về nước phục vụ, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người được cấp học bổng phải bồi hoàn kinh phí đào tạo theo quy định hiện hành;

Ngành học đăng ký dự tuyển phải cùng khối ngành với ngành đã trúng tuyển và đang học đại học ở Việt Nam hoặc ngành đã đoạt giải thưởng quốc tế, khu vực, quốc gia (đối với ứng viên học bổng đại học), phù hợp với ngành đã học đại học/thạc sĩ, công việc đang làm (đối với ứng viên học bổng thạc sĩ/tiến sĩ/thực tập);

Chỉ được đăng ký dự tuyển trình độ đào tạo cao hơn trình độ đã có văn bằng; Chỉ được đăng ký 1 ngành học; Không được tự ý thay đổi ngành học, cơ sở đào tạo đã đăng ký dự tuyển và trúng tuyển đi học theo thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Bộ Giáo dục Bê-la-rút và cơ sở đào tạo Bê-la-rút.

Lưu ý: Không xét tuyển ứng viên thuộc các trường hợp sau:

+ Đã từng được cơ quan Nhà nước cử đi học ở nước ngoài nhưng không hoàn thành khóa học;

+ Đang làm việc tại cơ quan trong nước nhưng không có văn bản của cơ quan trực tiếp quản lý cho phép dự tuyển;

+ Đã được các cơ quan, địa phương trong nước hoặc nước ngoài cấp học bổng đi học ở nước ngoài, hiện có các ràng buộc về nghĩa vụ, trách nhiệm chưa được phép đi học tiếp ở nước ngoài.

+ Đã được tuyển chọn đi học nước ngoài nhưng không đi học vì lý do cá nhân (thời hạn áp dụng là 2 năm kể từ ngày nộp đơn xin rút không đi học).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.