Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết: Sau hơn 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, Quốc hội khóa 13 đã quyết định sửa đổi Hiến pháp để phù hợp với thời kỳ phát triển mới. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta.
Trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, cùng với các thành viên khác của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tổng kết, triển khai kế hoạch tổ chức hội nghị toàn thể góp ý kiến dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và có rất nhiều ý kiến thiết thực có giá trị vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hiến pháp mới có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014, vừa kế thừa các giá trị to lớn của Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và năm 1992, vừa thể chế hóa các quan điểm, phương hướng phát triển đã được khẳng định trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp mới có nhiều điểm mới cả về nội dung và kĩ thuật lập hiến, thể hiện sâu sắc, toàn diện sự đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị…
Tại hội nghị, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, PGS.TS Hoàng Thế Liên - thành viên Ban chỉ đạo tổng kết Hiến pháp năm 1992 của Chính phủ - đã nêu rõ nội dung cơ bản của Hiến pháp mới có 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992.
PGS Hoàng Thế Liên nhấn mạnh: Hiến pháp mới thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên CNXH, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng lãnh đạo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định rõ ràng, đúng đắn, đầy đủ và khái quát hơn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Hiến pháp mới đảm bảo chính trị - pháp lý vững chắc cho dân tộc ta, nhân dân ta và nhà nước ta vượt qua những thách thức khó khăn, vững bước tiến lên trong thời kỳ đổi mới - thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.