Theo đó, về phía Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ ngành Giáo dục mầm non năm 2023.
Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia, các đoàn kiểm tra chấm thi của Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra công tác chấm thi ở các Hội đồng thi trong suốt thời gian diễn ra hoạt động này để tăng cường tính nghiêm minh của công tác chấm thi.
Với các tỉnh, thành, Bộ GD&ĐT yêu cầu thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.
Tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng; đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.
Đồng thời, triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh bảo đảm đúng quy chế; trong đó, tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Họp báo sau kết thúc coi thi tốt nghiệp THPT năm 2023. |
Về phía các cơ sở giáo dục đại học cần tiếp tục phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các khâu chấm thi của Kỳ thi theo kế hoạch và điều động của Bộ GD&ĐT.
Cùng với đó, chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau kết thúc Kỳ thi: Cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường; kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh; xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.
Trong thời gian tới, ngành Giáo dục mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo; đồng thời, tiếp tục nhận được sự đồng thuận và tham gia, phối hợp cùng trách nhiệm, giám sát của toàn hệ thống chính trị để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức thành công, đáp ứng mục tiêu đề ra, góp phần thực hiện hiệu quả lộ trình đổi mới thi, đánh giá chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cả nước có 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi là: 1.024.063. Trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 968.160, chiếm 94,42%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 57.104, chiếm 5,58%. Tổng số thí sinh dự thi là 1.012.398 đạt tỷ lệ 98,86% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi.
Tổng số có 2.272 điểm thi, 43.032 phòng thi. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.
Ngày 29/6, thí sinh cả nước hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các Điểm thi bảo đảm nghiêm túc, đúng kế hoạch.
Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả Kỳ thi có 41thí sinh vi phạm Quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; không có cán bộ nào vi phạm Quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Kết quả bước đầu trong công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có được nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành: Công an, Y tế, Thanh tra Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự vào cuộc đưa tin chính xác, kịp thời của các cơ quan truyền thông, báo chí.