Bộ GD&ĐT kiểm tra thực hiện nhiệm vụ đầu năm học tại Hà Nội

GD&TĐ - Hai nội dung trọng tâm của đợt kiểm tra là việc thực hiện chương trình giáo dục chính khóa và việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc tại Sở GD&ĐT Hà Nội.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT làm việc tại Sở GD&ĐT Hà Nội.

Ngày 9/10, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội, kiểm tra công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch kiểm tra thường xuyên của Bộ tại các địa phương.

Đại diện đoàn kiểm tra ghi nhận, thành phố Hà Nội có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng bổ sung trường, lớp học và bố trí đội ngũ giáo viên, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đến trường của con em nhân dân Thủ đô.

Nhiệm vụ của đoàn kiểm tra nhằm nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học, đồng thời, xác định những khó khăn, vướng mắc để tìm giải pháp tháo gỡ. Hai nội dung trọng tâm của đợt kiểm tra là việc thực hiện chương trình giáo dục chính khóa và việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội có hơn 2.800 trường học với hơn 2,2 triệu học sinh, gần 115.000 giáo viên. Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được các nhà trường thực hiện đúng quy định.

Việc phát hành sách giáo khoa được triển khai đúng tiến độ, kịp thời tới học sinh trước ngày khai giảng. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11 đang được thực hiện nghiêm túc, chất lượng.

Do tốc độ đô thị hóa nhanh, thành phố Hà Nội xảy ra hiện tượng quá tải trường, lớp học, nhất là ở các trường học thuộc khu vực nội thành. Ở một số địa bàn, sĩ số học sinh/lớp, số lớp/trường vượt quá quy định; một số nơi thiếu trường công lập.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra việc một số trường học có sai phạm về thu chi, về dạy học liên kết, một số nhà giáo có hành vi, lời nói chưa chuẩn mực với học sinh...

Tại buổi làm việc, Sở GD&ĐT Hà Nội báo cáo Bộ GD&ĐTvề 10 giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 và đề nghị Bộ nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh lớp 10 các trường công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành. Việc này nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh trong bối cảnh quy mô học sinh trong độ tuổi tuyển sinh trên địa bàn thành phố hằng năm tăng nhanh.

Cụ thể, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh.

Sau khi nghe tổng quan báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, để hiểu rõ hơn những vướng mắc, khó khăn và đề xuất nêu trên, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã chia thành các tổ làm việc riêng với từng phòng, ban và một số trường học. Theo kế hoạch, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT sẽ làm việc tại Hà Nội trong hai ngày 9 và 10/10.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.