Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Trường ĐH Sài Gòn

GD&TĐ -Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và việc thực hiện Nghị định số 84/2020/NĐ-CP tại ĐH Sài Gòn.

Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Trường ĐH Sài Gòn

Tham dự buổi khảo sát, kiểm tra còn có TS Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), bà Tô Thị Thu Hà, trưởng phòng Truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật (Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp). Về phía lãnh đạo Trường ĐH Sài Gòn có PGS.TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng nhà trường, TS Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cùng lãnh đạo các phòng ban.

Công tác giáo dục pháp luật tại trường ĐH Sài Gòn ra sao?

PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, căn cứ vào các kế hoạch của Bộ GD&ĐT, thực hiện công văn số 3729/BGDĐT-PC ngày 22/7/2024 của Bộ GD&ĐT về kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP và Nghị định số 143/2013/NĐ-CP. “Hôm nay Đoàn kiểm tra làm việc với Trường ĐH Sài Gòn với mục đích ghi nhận những kết quả thực hiện, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc cũng như những góp ý của trường để báo cáo về Bộ GD&ĐT cũng như Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương theo quy định”, Thứ trưởng nói.

Bộ GD&ĐT kiem tra thuc hien phap luat- Ảnh 1.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc làm việc tại Trường ĐH Sài Gòn chiều 1/8. Ảnh: Quốc Hải

Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề xuất các nội dung làm việc gồm: Đánh giá về tình hình thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Các đề xuất, kiến nghị của Trường liên quan đến việc khảo sát, đánh giá 10 năm thực hiện Nghị định số 143/2013/NĐ-CP quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo…

“Trong quá trình thực hiện các chế độ chính sách với nhà giáo thế nào? Chế độ chính sách với học bổng của sinh viên có vướng mắc gì không? Chi phí đào tạo có gặp khó khăn gì, trường còn đề xuất kiến nghị gì?. Đoàn muốn nghe kết quả thực hiện và những kiến nghị thực tế tại Trường ĐH Sài Gòn”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đặt vấn đề.

75fd62e3-c65b-4aa7-9c07-4af8950c087d.jpg
TS Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Quốc Hải

TS Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho hay, nhiệm vụ khảo sát, kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Nghị định số 84/2020/NĐ-CP và Nghị định số 143/2013/NĐ-CP là do Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương giao nên Bộ GD&ĐT không lựa chọn đơn vị để kiểm tra mà đây là nhiệm vụ và kế hoạch được giao.

“Hiện nhiều cơ sở giáo dục ĐH xuất phát từ môi trường sư phạm như Trường ĐH Sài Gòn có rất nhiều lợi thế về đào tạo giáo viên, đề nghị Nhà trường chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành rất quan tâm đến công tác giáo dục pháp luật, TPHCM quan tâm đến công tác này như thế nào? Nhiều trường phổ thông đang thiếu giáo viên Giáo dục công dân, UBND TPHCM có đặt hàng đào tạo hay không?”, TS Mai Thị Anh đặt vấn đề.

Bà Tô Thị Thu Hà, trưởng phòng Truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật (Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp) đánh giá cao việc nhà trường giao cho đầu mối triển khai giáo dục pháp luật và đội ngũ này có trình độ chuyên môn Luật là rất đáng khích lệ. Đặc biệt, trường cũng phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên, Phòng CTSV trong việc triển khai pháp luật cho sinh viên là rất tốt. “Những nội dung pháp luật mà Nhà trường truyền tải đến sinh viên là rất phù hợp. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin vào truyền tải pháp luật cho sinh viên tại Trường rất toàn diện, không phải trường nào cũng làm được. Đây cũng là những cách làm hay có thể lan tỏa ra nhiều trường khác”, bà Hà đánh giá.

“Những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị, giải pháp của Trường ĐH Sài Gòn về Nghị định số 84/2020/NĐ-CP và Nghị định số 143/2013/NĐ-CP sẽ là cơ sở, căn cứ để Đoàn tổng hợp báo cáo về Bộ GD&ĐT và Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương xem xét theo quy định”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ

Theo bà Hà, việc triển khai các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật tại Trường ĐH Sài Gòn lấy kinh phí ở đâu, cách vận hành các trang thông tin điện tử giáo dục pháp luật thì trường khai thác từ các nguồn chính thống nào?… Đây là những nội dung quan trọng để đoàn công tác nắm bắt, học hỏi kinh nghiệm để báo cáo với Hội đồng phối hợp Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương. Từ đó có thể học tập kinh nghiệm và triển khai nhân rộng hiệu quả hơn.

c625a322d7af72f12bbe.jpg
Bà Lê Thu Phương, chuyên viên cao cấp Vụ Pháp chế. Ảnh: Quốc Hải

Bà Lê Thu Phương, chuyên viên cao cấp Vụ Pháp chế cũng đánh giá cao các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật “bắt trend” của Trường ĐH Sài Gòn như làm podcast, trang điện tử giáo dục pháp luật, các cuộc thi trực tuyến…

Tuy nhiên, bà Phương đặt vấn đề liên quan đến Nghị định số 84/2020/NĐ-CP quy định tỷ lệ phải trích 8% các nguồn thu học phí cho học bổng khuyến khích học tập là áp lực rất lớn đối với giáo dục đại học, nhất là từ ngày 1/7/2024, nhà nước tăng lương cơ sở lên 30%, thì hiện nay quy định này có hợp lý không?”, bà Phương nói.

TPHCM phải sớm “đặt hàng” đào tạo giáo viên Giáo dục công dân

TS Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn cho biết, với yêu cầu nguồn GV của bộ môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, nếu mở ngành thì cũng phải 4 năm nữa mới đào tạo xong. Do đó, trước mắt Nhà trường sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT TPHCM để đào tạo thêm kiến thức cho giáo viên đang dạy bộ môn Giáo dục Công dân có thể đảm đương giảng dạy môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Bộ GD&ĐT kiem tra giao duc phap luat - Ảnh 2.jpg
TS Võ Văn Thật, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn. Ảnh: Quốc Hải

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho hay, với chỉ tiêu sư phạm của Nhà trường cũng như những mã ngành mới như ngành Giáo dục kinh tế và pháp luật, Trường cứ báo cáo gửi Vụ Pháp chế, Bộ GD&ĐT để kịp thời xử lý. Bởi, chưa có mã ngành Giáo dục kinh tế và pháp luật thì các trường nói chung, Trường ĐH Sài Gòn nói riêng chưa thể đào tạo.

“Trường ĐH Sài Gòn phải làm việc với Sở GD&ĐT để làm việc với UBND TPHCM đặt hàng, cấp kinh phí để đào tạo giáo viên bộ môn Giáo dục Công dân. Đồng thời, cần sớm đảm bảo đào tạo đủ số lượng và chất lượng giáo viên cho bộ môn Giáo dục kinh tế và pháp luật vì môn này đã đào tạo 2 năm nay nhưng vẫn chưa có mã ngành đào tạo là không hợp lý”, Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, liên quan tới việc thực hiện Nghị định số 143, trong quá trình triển khai thực hiện cho viên chức, người lao động đi học theo quy định, Trường ĐH Sài Gòn cho biết không có trường hợp thuộc đối tượng phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Tuy nhiên, Nhà trường cũng đề nghị Bộ GD&ĐT cần có quy định cụ thể đối với những trường hợp được cử đi đào tạo nhưng không hoàn thành khóa đào tạo, không thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan quản lý và không hợp tác để thực hiện các thủ tục bồi hoàn...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của nhà trường cũng như việc nghiêm túc triển khai tuyên truyền phổ biến các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của TP đến cán bộ, viên chức, người lao động và học viên trong nhà trường.

“Nhìn vào những kết quả mà Trường ĐH Sài Gòn đạt được trong việc phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường, tôi tin rằng sinh viên được đào tạo tại trường sẽ trở thành những công dân tốt, hiểu biết pháp luật và đóng góp tích cực cho sự phát triển của xã hội”, Thứ trưởng nói và mong muốn Trường ĐH Sài Gòn tiếp tục quan tâm chỉ đạo, bố trí nguồn lực thực hiện tốt công tác PBGDPL và tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên việc áp dụng các kiến thức pháp luật vào thực tế, “sát sườn” tại nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.