Bộ GD&ĐT giải đáp thắc mắc về quy định mới trong đầu tư giáo dục

GD&TĐ -Chuyên gia đánh giá, Nghị định số 124/2024/NĐ-CP và Nghị định số 125/2024/NĐ-CP đã tạo khung pháp lý đầy đủ liên quan đến hoạt động đầu tư giáo dục.

Bộ GD&ĐT giải đáp thắc mắc về quy định mới trong đầu tư giáo dục
Bộ GD&ĐT giải đáp thắc mắc về quy định mới trong đầu tư giáo dục

Ngày 20/12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã chủ trì tọa đàm "Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 124/2024/NĐ-CP và Nghị định số 125/2024/NĐ-CP" vừa được Chính phủ ban hành.

Tọa đàm được kết nối với các điểm cầu là các trường ĐH, các cơ sở giáo dục trên cả nước với sự tham dự của các đơn vị chức năng thuộc Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục và các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Khung pháp lý đầy đủ liên quan đến hoạt động đầu tư giáo dục

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết: Nghị định số 124 góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng về chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo, khuyến khích các cơ sở giáo dục trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nước ngoài, thu hút các cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới mở phân hiệu tại Việt Nam.

Trong khi đó, Nghị định 125 kế thừa những quy định còn phù hợp tại Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và 135/2018/NĐ-CP, đồng thời bổ sung những quy định về điều kiện và trình tự thực hiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cho phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng các yêu cầu về cải cách hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

ad4e46cd82dc3f8266cd.jpg
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. (Ảnh: Quốc Hải)

“Đây là hai Nghị định rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ với một số điểm mới, liên quan đến hoạt động đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam” - ông Phúc khẳng định.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, tọa đàm được tổ chức là cơ hội để các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT có những chia sẻ, giải đáp vướng mắc cho các cơ quan quản lý ở địa phương, các cơ sở giáo dục và nhà đầu tư, nhằm thu hút đầu tư, nguồn lực xã hội trong lĩnh vực giáo dục.

Nhiều thay đổi quan trọng

Báo cáo tại tọa đàm, ông Đào Hồng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết: Nghị định số 125/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 46 và 135 có một số điểm mới, như: Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT; trong đó kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa đối với 8 ngành nghề kinh doanh quy định tại Nghị định số 46 và 135, gồm: Hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non; Hoạt động của cơ sở giáo dục phổ thông; Hoạt động của cơ sở giáo dục thường xuyên; Hoạt động của trường chuyên biệt; Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; Hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Kiểm định chất lượng giáo dục và Dịch vụ tư vấn du học.

ba5189a14db0f0eea9a1.jpg
7cd71423d0326d6c3423.jpg
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải đáp thắc mắc của các trường ĐH, các cơ sở giáo dục và nhà đầu tư. (Ảnh: Quốc Hải)

Đặc biệt, Nghị định 125 đã kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức.

“Việc ban hành Nghị định 125/2024/NĐ-CP đã đạt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT, khắc phục được nhiều quy định còn hạn chế, bất cập của các quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - ông Cường khẳng định.

732903d4c7c57a9b23d4.jpg
Ông Đào Hồng Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT)

Dẫn chứng thêm, ông Cường cho hay, Nghị định số 125 đã bổ sung điều kiện thành lập/cho phép thành lập phân hiệu trường đại học “phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đã được phê duyệt” để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Giáo dục đại học; bỏ điều kiện “đạt bình quân tối thiểu 25 m2/sinh viên tại thời điểm phân hiệu có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển” vì đây là các điều kiện không khả thi, khó đánh giá tại thời điểm đề nghị thành lập trường.

Đặc biệt, một trong những điểm mới đối với trình tự thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học, phân hiệu của cơ sở GDĐH đó là Nghị định số 125 đã tăng thời hạn của văn bản phê duyệt phê duyệt chủ trương thành lập hoặc cho phép thành lập trường ĐH, phân hiệu của cơ sở GDĐH từ 3 năm lên 5 năm.

“Đây là một trong những thay đổi quan trọng, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập trường có thêm thời gian để hoàn thiện điều kiện, quy trình đề nghị thành lập/cho phép thành lập”- ông Cường đánh giá.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho biết, Nghị định số 124/2024/NĐ-CP có một số nội dung mới, thay đổi cơ bản so với Nghị định số 86/2018/NĐ-CP như: Đơn giản hóa thủ tục và công khai, minh bạch thông tin; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong hợp tác, đầu tư nước ngoài; tăng cường công tác quản lý và trách nhiệm của địa phương.

fe89ff653b74862adf65.jpg
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT)

“Nghị định số 124/2024/NĐ-CP đã cập nhật cụ thể một số nội dung quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020 và một số văn bản khác, góp phần cụ thể hóa chủ trương thúc đẩy hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đơn giản và minh bạch các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các tổ chức, cơ sở giáo dục và nhà đầu tư” - ông Dũng đánh giá.

Dẫn chứng về một số thay đổi quan trọng, ông Dũng cho hay, Nghị định số 124/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về đối tượng và chương trình đào tạo của liên kết đào tạo với nước ngoài, trong đó quy định, chương trình đào tạo của nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam phải bảo đảm được cơ quan có thẩm quyền của nước đó cho phép đào tạo và cấp bằng hoặc có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng còn hiệu lực do tổ chức kiểm định chất lượng hợp pháp cấp.

2fa3522596342b6a7225.jpg
Toàn cảnh tọa đàm. (Ảnh: Quốc Hải)

“Nghị định số 124/2024/NĐ-CP quy định cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đầu tư thành lập phân hiệu tại Việt Nam phải được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, thuộc nhóm 500 cơ sở giáo dục đại học được xếp thứ hạng cao nhất trong các bảng xếp hạng cơ sở giáo dục đại học có uy tín trên thế giới của một trong ba năm gần nhất” - ông Dũng nói và nhấn mạnh, quy định này sẽ góp phần thu hút có chọn lọc cơ sở giáo dục đại học có chất lượng đầu tư.

Chưa kể, Nghị định số 124/2024/NĐ-CP cũng quy định Chương trình giáo dục mầm non và phổ thông của nước ngoài nếu đưa vào thực hiện ở Việt Nam phải được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận hoặc được kiểm định chất lượng, phải được giảng dạy trực tiếp ít nhất 5 năm ở nước ngoài và phải bảo đảm mục tiêu giáo dục phù hợp với mục tiêu giáo dục của Việt Nam.

Ngoài ra, Nghị định số 124 cũng bổ sung quy định UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi, quyền hạn được giao có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra, đánh giá kết quả hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

“Quy định này góp phần nâng cao vai trò của địa phương trong hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục - ông Dũng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ