Bộ GD&ĐT đã rất quan tâm đến điều kiện của những ngành đặc thù

GD&TĐ - Thông báo tạm dừng tuyển sinh 207 ngành không đủ điều kiện đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT đã được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. 

Trên giảng đường
Trên giảng đường

Đây là một trong những động thái nhằm củng cố chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chí đảm bảo chất lượng như nhau cho tất cả các ngành học có thể gây khó khăn cho những ngành đặc thù như một số ngành ngoại ngữ ít thông dụng hay các ngành năng khiếu, nghệ thuật. Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga xung quanh vấn đề này.

Thưa Thứ trưởng, căn cứ vào đâu để Bộ GD&ĐT đưa ra quyết định tạm dừng đào tạo ở 207 ngành đào tạo đại học trong năm 2014 này?

- Cách đây 3 năm Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư qui định mở ngành, chuyên ngành trình độ đại học, sau đại học (Thông tư 08 và Thông tư 38). 

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, năm 2010 Bộ đã rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng và đã cảnh báo 139 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ thuộc 55 cơ sở đào tạo thiếu giảng viên cơ hữu và đã thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ 57 chuyên ngành thuộc 27 trường đại học, viện, học viện không đảm bảo được các điều kiện về giảng viên. 

Năm 2012, Bộ tiếp tục rà soát các chuyên ngành Thạc sĩ và đã thông báo dừng tuyển sinh đối với 161 chuyên ngành không đủ giảng viên cơ hữu. 

Năm 2013 Bộ rà soát các chuyên ngành đào tạo đại học và thông báo dừng tuyển sinh 207 ngành. Trong năm 2014, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các ngành bậc cao đẳng để xử lý những trường hợp thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng theo qui định.

Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phải được đặt lên hàng đầu. Để thực hiện được chủ trương này thì việc đầu tiên là các nhà trường phải đảm bảo đủ các qui định tối thiểu về đội ngũ giảng viên. 

Việc thường xuyên rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo là cần thiết nhưng Bộ đã làm từng bước một để các nhà trường có thời gian chuẩn bị bổ sung đội ngũ, không gây khó khăn lớn cho các nhà trường.

Nâng cao chất lượng đào tạo có ý nghĩa quyết định đến thương hiệu của mỗi cơ sở giáo dục ĐH
Nâng cao chất lượng đào tạo có ý nghĩa quyết định đến thương hiệu của mỗi cơ sở giáo dục ĐH 

Một số trường đào tạo nghệ thuật có ý kiến cho rằng, đây là những loại hình đào tạo "đặc thù". Nếu áp dụng cùng một tiêu chí giảng viên như những ngành khác thì rất khó cho trường. Quan điểm của Bộ GD&ĐT về việc này thế nào?

“Luật Giáo dục Đại học đã giao quyền tự chủ cao cho các nhà trường, nhưng tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây chính là sản phẩm mình đào tạo ra. 

Bộ GD&ĐT chỉ là cơ quan quản lý nhà nước để giám sát việc đảm bảo chất lượng của các nhà trường, bảo vệ quyền lợi của người học và xã hội. 

Có thể thấy 207 ngành đào tạo bị dừng tuyển sinh có ở cả trường công lẫn trường tư, trường mới thành lập lẫn trường đã có truyền thống. 

Việc dừng đào tạo với những ngành học này không ngoài mục đích để các trường ý thức việc chất lượng đào tạo phải đảm bảo”.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga

- Số lượng 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ đúng chuyên ngành cho mỗi ngành đào tạo là tiêu chí tối thiểu. 

Tuy nhiên khi xem xét điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của các ngành đặc thù như năng khiếu, nghệ thuật, Bộ đã rất quan tâm đến điều kiện đặc biệt. 

Những ngành nào không có tiến sĩ đúng chuyên ngành thì có thể thay thế bằng tiến sĩ ngành gần và có công trình nghiên cứu liên quan đến ngành đào tạo. 

Thậm chí nếu trường vẫn không có tiến sĩ ngành gần thì có thể thay thế bằng giảng viên có trình độ thạc sĩ. 

Những ngành bị dừng là do không có giảng viên có trình độ tiến sĩ, có một số ngành thậm chí không có thạc sĩ nào.

Một ngành đào tạo bậc đại học trung bình có khoảng 30 - 40 môn học. Các giảng viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ nếu có đủ theo qui định (1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ) cũng chỉ dạy khoảng 10 môn, chiếm 25% tổng khối lượng giảng dạy, một tỉ lệ rất thấp. 

Phần lớn khối lượng còn lại do các nghệ sĩ, nghệ nhân, những người có kinh nghiệm về nghệ thuật, các giảng viên có trình độ đại học đảm nhận. 

Một số ý kiến hiểu nhầm cho rằng Bộ gây khó cho trường khi yêu cầu toàn bộ chương trình đào tạo phải do những người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thực hiện. 

Thực tế không phải như vậy. Đó chỉ là mục tiêu phấn đấu cho tương lai, còn hiện nay, xuất phát từ tình hình thực tế của đội ngũ giảng viên, điều kiện qui định tại Thông tư 08 đang ở mức tối thiểu.

Đào tạo đại học khác với đào tạo bậc phổ thông và dạy nghề. Ở bậc đại học, mỗi ngành học đều cần phải có người có học hàm, học vị cao, có kinh nghiệm nghiên cứu để có thể dẫn dắt sự phát triển của ngành. 

Mục tiêu của giảng dạy đại học không phải chỉ cung cấp kiến thức, huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp mà còn giúp cho sinh viên phát triển năng lực các nhân, sáng tạo ra tri thức mới. 

Do đó rất khó thuyết phục xã hội về chất lượng đào tạo đại học nếu không có một số lượng tối thiểu giảng viên có trình độ chuẩn qui định, dù đó là ngành nào.

Có ý kiến cho rằng "cần qui ngược trách nhiệm về phía Bộ". Tại sao trường thiếu giảng viên cơ hữu mà vẫn cho mở ngành để rồi nay buộc phải dừng tuyển sinh? Thứ trưởng giải thích ý kiến này như thế nào?

- Để có được quyết định mở ngành, các trường phải trải qua những bước kiểm tra rất nghiêm ngặt về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên qui định tại Thông tư 08. 

Tuy nhiên sau một thời gian triển khai đào tạo, đội ngũ giảng viên có thể có những biến động như nghỉ hưu, chuyển công tác... và các trường thay thế vào đó bằng các giảng viên thỉnh giảng. Các ngành vẫn có đủ giảng viên nhưng là giảng viên thỉnh giảng.

Nếu không có qui định cứng về đội ngũ giảng viên cơ hữu thì các trường sẽ sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là chính, vì nhiều lý do: khó tuyển dụng được giảng viên trình độ cao; đào tạo, bồi dưỡng giảng viên có trình độ tiến sĩ rất công phu và tốn kém; cán bộ cơ hữu ít thì chi phí quỹ lương của đơn vị thấp... 

Về toàn cục, việc làm này dẫn đến nguy cơ lực lượng giảng viên trong toàn hệ thống không phát triển theo yêu cầu đảm bảo chất lượng ngày một cao hơn. 

Vì vậy các trường cần chăm lo phát triển đội ngũ giảng viên liên tục, không phải khi đã mở ngành rồi thì trường cứ đào tạo "vĩnh viễn" ngành này. 

Đây là lần đầu tiên Bộ rà soát và xử lý nên có thể gây bất ngờ đối với một số trường. Từ nay về sau việc rà soát này sẽ được tiến hành thường xuyên.

Những trường bị dừng tuyển sinh nhiều ngành sẽ khắc phục như thế nào để có thể tuyển sinh trở lại thưa Thứ trưởng?

- Đối với những trường báo cáo số liệu chưa chuẩn, có sai sót hay chưa cập nhật thì báo cáo lại số liệu thực tế đội ngũ của trường mình. Bộ sẽ rà soát, nếu số liệu giảng viên mới đáp ứng yêu cầu theo qui định thì sẽ xem xét cho tuyển sinh trở lại, không có vấn đề gì. 

Tuy nhiên nhà trường phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong đảm bảo chế độ báo cáo và độ chính xác của thông tin. Đối với những ngành còn thiếu giảng viên cơ hữu thì nhanh chóng tuyển dụng, bổ sung để đảm bảo yêu cầu tối thiểu theo qui định để có thể tuyển sinh trở lại. Những ngành đặc thù có thể xử lý theo những điều kiện đặc biệt như đã nói ở trên.

Dừng đào tạo 207 ngành đào tạo đại học có được coi là thông điệp của Bộ GD&ĐT gửi tới các nhà trường và xã hội về quyết tâm chấn chỉnh hoạt động đào tạo đại học. Chủ trương này có được các trường ủng hộ không, thưa Thứ trưởng?

- Trong các cuộc họp tổng kết năm học gần đây, Bộ đều quán triệt Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng về phương châm hành động đổi mới, siết chặt kỷ cương để nâng cao chất lượng đào tạo. 

Thực tế việc giảm chỉ tiêu hệ vừa làm vừa học, siết chặt liên kết đào tạo, qui định mới về đào tạo liên thông... để nâng cao chất lượng đào tạo đã được sự đồng tình của lãnh đạo các trường đại học, dù những chủ trương này có ảnh hưởng đến nguồn thu của các trường.

Nay trong quá trình rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng, nếu ngành nào còn thiếu giảng viên buộc phải tạm dừng tuyển sinh, các trường cũng thấy đây là việc cần thiết phải làm, dù số lượng ngành phải dừng tuyển sinh nhiều hay ít. 

Đợt rà soát vừa qua cho thấy có hơn 75% số trường đại học đã làm rất tốt công tác phát triển giảng viên, vượt xa so với điều kiện mở ngành ban đầu. 

Tuy nhiên 25% số trường còn lại còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng cán bộ giảng dạy trình độ cao. Những trường này cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quyết liệt hơn để đảm bảo sự phát triển bền vững, lâu dài.

Xin cám ơn Thứ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.