Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản 

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa thành 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đó là một trong những nội dung của dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ Bộ GD&ĐT lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo dự thảo báo cáo, trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ủy Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Ban Cán sự đảng Bộ GD&ĐT lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, các đơn vị và cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Bộ GDĐT đã cụ thể hóa thành 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chỉ đạo các đơn vị thực hiện đổi mới công tác xây dựng kế hoạch, tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao; Chỉ đạo rà soát, sửa đổi quy định chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thuộc cơ quan Bộ bảo đảm phù hợp với thực tiễn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ; sửa đổi quy chế làm việc đáp ứng yêu cầu mới, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành thông qua quy định về việc sử dụng e-office trong việc xử lý các văn bản đến/đi; thực hiện 100% chữ ký số trong các hồ sơ trình lãnh đạo và văn bản đi.

Trong công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực GD-ĐT, dự thảo báo cáo nêu rõ:

Lãnh đạo các cấp ủy và đảng viên thể chế hóa, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo;

Tập trung chỉ đạo công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục vàđào tạo, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về giáo dục và bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về GD-ĐT.

Đồng thời chỉ đạo triển khai 50 đề tài nghiên cứu khoa học, khảo sát, đánh giá tác động để xác định cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo chất lượng cao hơn; hình thành mạng lưới chuyên gia, các nhóm nghiên cứu về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật.

Bộ đã trình Trung ương, Quốc hội ban hành nhiều văn bản nhằm tạo cơ chế, chính sách, tháo gỡ các “nút thắt” để phát triển giáo dục ; trình Quốc hội thông qua và ban hành hai dự án Luật Giáo dục và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học;

Ngoài ra, Bộ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 16 nghị định, 2 nghị quyết của Chính phủ, 36 quyết định và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và đã ban hành theo thẩm quyền 186 thông tư.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ