Bộ GD&ĐT trả lời ĐBQH về tình trạng học sinh đánh nhau

Bộ GD&ĐT trả lời ĐBQH về tình trạng học sinh đánh nhau

(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn đồng chí Võ Thị Dễ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An về vấn đề học sinh đánh nhau, thực trạng và giải pháp...

Học kỹ năng sống là một trong những giải pháp ngăn chặn tình trạng
Học kỹ năng sống là một trong những giải pháp giúp trẻ sống đoàn kết, chan hòa

Nội dung chất vấn:

Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết tình trạng bạo lực học đường có đáng lo ngại chưa? Nguyên nhân? Giải pháp phòng chống ra sao? Để tôi báo cáo với cử tri.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời như sau:

1. Về thực trạng

Trong số gần 10 triệu học sinh phổ thông và gần 3 triệu học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp của cả nước, phần lớn các em đều có ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức tốt, tích cực, chủ động trong học tập, năng động, tự tin, có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ học sinh, sinh viên chưa có nhận thức và hành vi đúng đắn, thích thể hiện bản thân một cách thái quá, thiếu khả năng kiềm chế và cách ứng xử văn hoá trước những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống đã dẫn đến đánh nhau, có vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng. Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng học sinh phổ thông đánh nhau, học sinh nữ đánh nhau hội đồng, quay phim, lan truyền qua mạng Internet và điện thoại di động. Số vụ việc bạo lực trong học sinh, sinh viên gây hậu quả nghiêm trọng tuy là ít, song cũng đã gây bức xúc trong xã hội, đòi hỏi các cấp, các ngành hữu quan, gia đình và xã hội cần quan tâm chung sức, cùng nhà trường và ngành giáo dục phối hợp đồng bộ các giải pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả.

2. Nguyên nhân

a) Xuất phát từ đặc điểm tâm lý của lứa tuổi học sinh

Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ về thể chất và tâm lý. Các em hay có hành vi bắt chước và thích thể hiện, muốn chứng tỏ mình rất cao. Ở lứa tuổi này, mọi suy diễn để chứng minh bằng hành động của học sinh đều bắt đầu bằng sự tự phát và không có định hướng. Mặt khác, nhiều học sinh trung học hiện nay thiếu các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống cần thiết để thích nghi với đời sống kinh tế - xã hội sôi động và phức tạp. Bởi vậy, việc giải quyết các mâu thuẫn trong tuổi học trò thường được các em ứng xử một cách tự phát, thiếu sự kìm chế và có khi sử dụng vũ lực. 

b) Xuất phát từ  gia đình

- Sự không quan tâm của cha mẹ đối với thói quen sinh hoạt, đời sống tinh thần, diễn biến tâm lý và các quan hệ xã hội của con cái là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng không kiểm soát được hành vi của trẻ.

- Trong một số gia đình, người lớn thiếu gương mẫu, thậm chí vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình xảy ra thường xuyên, làm cho tâm, sinh lý các cháu bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng bởi các quan điểm sống lệch lạc, hành vi bạo lực từ gia đình.
         
c) Xuất phát từ môi trường xã hội
        
- Học sinh bị ảnh hưởng từ việc tham gia các trò chơi game, các văn hóa phẩm có nội dung mang tính bạo lực.

- Ở một số nơi, các tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, môi trường ở khu vực trường học chưa được an toàn. Từ đó có những ảnh hưởng nhất định đến học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên.
        
d) Xuất phát từ  trong nhà trường

- Nhận thức về tầm quan trọng của công tác “dạy người” ở một số cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo chưa cao nên chưa quan tâm đầy đủ đến việc uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong tư tưởng và hành vi đạo đức của học sinh, sinh viên. 

- Một số giáo viên trong giảng dạy các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân và môn Pháp luật còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn ứng xử những tình huống cụ thể.

- Việc tổ chức ngoại khóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp ở một số nhà trường còn hình thức, nội dung đơn điệu, chưa tạo được sự lôi cuốn tham gia của số đông học sinh.

 3. Giải pháp khắc phục

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề học sinh đánh nhau, và đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống bạo lực, vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên, cụ thể là:

- Đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân và môn Pháp luật trong các nhà trường cho phù hợp với thực tế về cơ sở vật chất, chú trọng liên hệ với thực tiễn ứng xử những tình huống cụ thể; Kết hợp bài giảng trên lớp với hoạt động ngoại khóa. Đề cao vai trò và trách nhiệm của giáo viên, trước hết là giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc “dạy chữ” gắn với “dạy người” cho học sinh. Thông qua đó, giáo viên kích thích lòng yêu thích bộ môn, say mê nghiên cứu, khám phá khoa học, bồi dưỡng nhân sinh quan và thế giới quan khoa học qua môn học, từ đó góp phần hình thành nhân cách, lý tưởng sống tốt đẹp cho học sinh, sinh viên.

- Hướng dẫn các nhà trường triển khai thực hiện bộ tài liệu tích hợp, lồng ghép việc giảng dạy nội dung “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tăng cường bồi dưỡng và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên nhằm giúp các em có định hướng, nhận thức đúng đắn, tạo kỹ năng tự phòng tránh các biểu hiện tiêu cực và tệ nạn xã hội thông qua thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

- Chỉ đạo các nhà trường về tăng cường phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên. Trong đó, chú trọng những nội dung sau: 

+ Tăng cường phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong trong nhà trường trong việc giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, pháp luật, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.

+ Tăng cường phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội, xác lập hình thức thích hợp thường xuyên liên hệ với gia đình để thông báo tình hình rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên.

- Chỉ đạo nhân rộng mô hình Phòng tư vấn tâm lý cho học sinh trong các nhà trường nhằm tư vấn, tháo gỡ kịp thời những khúc mắc, mâu thuẫn của học sinh nảy sinh trong cuộc sống.

- Phối hợp cùng các Bộ, ngành như: Bộ Công an; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; Trung ương Đoàn TNCSHCM; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Khuyến học Việt Nam,…để chỉ đạo các địa phương, cơ sở huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên.
 

Bộ GD&ĐT

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ