Ngày 8/8, TAND TP Hà Nội mở phiên hình sự sơ thẩm đối với Cao Thị Lan (SN 1977, ở xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cáo buộc từ cơ quan công tố cho hay, từ tháng 12/2010 đến tháng 10/2012, với chiêu bài giả mượn “sổ đỏ” của người quen, thân để làm thủ tục vay vốn ngân hàng, “siêu lừa” giả chữ ký của các chủ sở hữu, sau đó thế chấp hoặc chuyển nhượng cho nhiều người khác, chiếm đoạt hơn 2,1 tỷ đồng.
Trong số những nạn nhân, Lan không chừa cả bố đẻ - ông Cao Hòa Bình (SN 1953, ở xã Phương Đình). Khoảng tháng 4/2011, Lan mượn sổ đỏ của ông Bình với lý do thế chấp vay tiền hùn vốn làm ăn. Qua trung gian, Lan biết chị Lê Thị Mỹ Hạnh (ở quận Đống Đa, Hà Nội) chuyên cho vay tiền. Lan liên hệ với người phụ nữ này vay tiền, hứa sẽ sang tên sổ đỏ lô đất của ông Bình.
Ngân hàng “chống lệnh” cơ quan điều tra
Trong vụ án, có nhiều sổ đỏ đã được thế chấp tại các ngân hàng. Cơ quan công an đã có văn bản đề nghị những ngân hàng này nộp lại sổ đỏ để phục vụ điều tra, song những đơn vị này khước từ. Tại tòa, chủ tọa Ngô Tự Học khẳng định: “Đó là tang vật vụ án, những giao dịch trên là bất hợp pháp, do vậy, cần tuân thủ yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”.
Dù không nghề nghiệp, không được học hành đến nơi đến chốn, song Lan lắm mưu nhiều kế, nắm vanh vách thủ tục sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Để phục vụ cho kế hoạch lừa đảo, Lan đi mua 5 bản mẫu hợp đồng chuyển nhượng “sổ đỏ”, tài sản gắn liền với đất… rồi đưa cho chị Hạnh ký vào mục “bên B” - bên nhận chuyển nhượng.Chị Hạnh ký xong, Lan mang toàn bộ hồ sơ đến gặp ông T. (Phó Chủ tịch UBND xã Phương Đình) chứng thực. Trước khi cầm bộ hồ sơ lên gặp một cán bộ ở Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đan Phượng để làm thủ tục sang tên, Lan khai không quên “cảm ơn” vị Phó Chủ tịch xã 2 triệu đồng.
Nhưng khi vừa cầm trong tay tấm bìa mới coóng, chị Hạnh lại thoái thác, nói không đủ tiền, nhờ một trung gian tên Hậu và anh này đồng ý cho vay tiền. Lan tiếp tục quay lại gặp vị lãnh đạo xã đã giúp mình lần trước để hoàn thiện hồ sơ. Xong việc, anh Hậu giao cho Lan 430 triệu đồng, rồi cầm sổ đỏ đi thế chấp tại Ngân hàng TMCP Quân đội, chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Bố chồng không thoát
Cũng với chiêu thức tương tự, Cao Thị Lan đã đưa cả bố chồng vào danh sách những bị hại của vụ án.
Khoảng tháng 6/2011, Lan gọi bố chồng – ông Nguyễn Tiến Tâm (SN 1947, ở xã Phương Đình) đến mượn sổ đỏ lô đất diện tích 451m2. Qua mối quan hệ làm ăn, Lan biết chị Tạ Thị Chi (SN 1973, ở xã Mễ Trì, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là người chuyên cho vay tiền. Cũng với lý do “vay hộ”, Lan gọi điện cho chị Chi nói: “Bố chồng em muốn vay 600 triệu, và sẽ chuyển nhượng sổ đỏ cho chị”.
Chị Chi đồng ý, nhưng yêu cầu sang tên sổ đỏ cho một người tên Tuyết ở quận Hà Đông. Lan tiếp tục phô tô 5 bản hợp đồng chuyển nhượng, tiến hành hoàn thiện thủ tục sang tên như các trường hợp trước đó. Sau khi nhận sổ đỏ mới, chị Tuyết mang thế chấp tại Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Quang Trung, Hà Đông, vay 2 tỷ đồng.
Trong vụ án, cơ quan chức năng đã xem xét đến trách nhiệm của ông T. - Phó Chủ tịch UBND xã Phương Đình. Lan khai từng nhiều lần đưa tiền “cảm ơn” ông T. khi nhờ chứng thực hồ sơ chuyển nhượng. Tuy nhiên, ông Phó Chủ tịch xã không thừa nhận lời khai của Lan, và cho rằng không trực tiếp nhận hồ sơ của Lan, bản thân chưa được tập huấn về công tác chứng thực… Do vậy, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự với vị cán bộ xã này.
Cuối phiên xử hôm qua, tòa tuyên 18 năm tù đối với bị cáo Cao Thị Lan.
Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Liên quan vụ án, có tình huống vay tiền của một người tên Trần Văn Quyết khi mang sổ đỏ của bố mẹ đến gặp Lan để vay 200 triệu đồng. Tại đây, Quyết giả chữ ký của bố mẹ trong hợp đồng chuyển nhượng theo yêu cầu của Lan. Trong phiên xử, thẩm phán Ngô Tự Học cho rằng, Quyết có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đề nghị Viện kiểm sát làm rõ.