Bồ Đào Nha: Đa dạng chương trình hướng nghiệp

GD&TĐ - Ở cấp THPT, HS Bồ Đào Nha được học theo 4 chương trình, hay còn gọi là 4 lĩnh vực: Chuyên môn hóa nghệ thuật, khoa học và nhân văn, công nghệ và nghề nghiệp.

Một trường phổ thông ở Bồ Đào Nha.
Một trường phổ thông ở Bồ Đào Nha.

Các chương trình này kéo dài ba năm, tương ứng với lớp 10, 11 và 12. Nghĩa là, HS THPT ở Bồ Đào Nha có thể chọn trước lĩnh vực và nghề nghiệp mà các em muốn phát triển trong tương lai.

Cố gắng nâng cao học vấn

Chính phủ Bồ Đào Nha đang cố gắng nâng cao trình độ học vấn của nhân dân. Tỷ lệ người thực sự biết chữ ở quốc gia này vào loại thấp nhất Liên minh châu Âu và châu Âu nói chung. Chính thức, Bồ Đào Nha có 93% dân số biết chữ. Nhưng trên thực tế, tình hình đáng buồn hơn nhiều. Theo thống kê, có tới 40% dân số không đọc chữ thành thạo, và nhiều người cao tuổi không biết viết. 

Theo quy định, trẻ em từ 6 - 15 tuổi ở Bồ Đào Nha đều phải đi học. Sau đó, học tập là việc riêng của mỗi người. Trẻ em Bồ Đào Nha bắt đầu đi học từ rất sớm. Bạn có thể đưa con đến nhà trẻ từ một tuổi. Ở đó, ngoài sự chăm sóc, đứa trẻ còn được tiếp thu các kỹ năng cơ bản của cuộc sống tự lập. Lên ba tuổi, đứa trẻ được chuyển sang lớp lớn. Các em học đọc, vẽ, làm đồ thủ công, tập thể dục và thậm chí khiêu vũ. 

Các nhà trẻ ở Bồ Đào Nha được chia thành ba loại: Miễn phí, trả tiền một phần và trả tiền hoàn toàn. Đồng thời, việc trả tiền phần lớn phụ thuộc vào thu nhập của bố mẹ HS, những người nghèo phải trả ít hơn. Trẻ em của những gia đình như vậy chiếm một tỷ lệ nhất định, và trong nhiều trường hợp, bố mẹ không phải trả học phí (trừ ở nhà trẻ tư nhân) và bữa ăn sáng. Sau đó, khi HS vào học phổ thông, tình hình cũng diễn ra tương tự.

Không phải tất cả các gia đình có nguyện vọng được gửi con vào nhà trẻ miễn phí, mà chỉ những gia đình đăng ký trước khi nhập học 9 tháng, thậm chí sớm hơn. Cấp tiểu học bắt đầu từ lớp 1 - 4. Tiếp theo là cấp THCS từ lớp 5 - 9. Đây là bậc học bắt buộc đầu tiên. Trong 9 năm học, các em được tiếp thu toàn bộ kiến ​​thức cơ bản.

Phân luồng từ THPT

HS Bồ Đào Nha ngày nay.
HS Bồ Đào Nha ngày nay.

Giáo dục phổ thông của Bồ Đào Nha từ lớp 10 - 12, không bắt buộc và mất tiền. Mức học phí lại phụ thuộc vào thu nhập của cha mẹ HS. Tuy nhiên, có rất nhiều tổ chức trong nước giúp đỡ các gia đình nghèo. Mỗi tháng một lần họ phát quần áo, thực phẩm, bột giặt và nước rửa bát, thậm chí cả đồ chơi cho HS. Nếu tính đến các khoản giảm học phí hoặc miễn học phí nói chung, việc học tập tại trường phổ thông Bồ Đào Nha có lợi trước hết xét về mặt tài chính. Những người tốt nghiệp lớp 12 (hoàn thành chương trình THPT), dễ tìm việc làm hơn. Vì vấn đề việc làm ở Bồ Đào Nha khá khó khăn, nhiều thanh niên Bồ Đào Nha đi tìm việc ở các nước EU khác.

So với các nước châu Âu khác, Bồ Đào Nha ít quan tâm hơn tới vấn đề thủ tục nhập học, vì vậy SV nước ngoài đến đây dễ vào học ĐH hơn. Bạn chỉ cần trả học phí là đủ. Khi vào học tại hầu hết các trường ĐH ở Đồ Đào Nha, thậm chí bạn không cần xuất trình chứng chỉ kiến ​​thức tiếng Bồ Đào Nha. Để đánh giá trình độ ngoại ngữ, thí sinh chỉ cần trả lời phỏng vấn. Một số trường ĐH thậm chí nhận cả SV có trình độ ngoại ngữ sơ cấp, nhưng họ phải tham gia các khóa học tiếng tại trường, đồng thời với các giờ học chính khóa.

Điều thú vị là Bồ Đào Nha có rất nhiều chương trình đào tạo nghề. Để có một nghề nghiệp, cả người nước ngoài lẫn người bản xứ chỉ cần tham gia một khóa đào tạo là đủ để tìm việc theo nghề.

Ở cấp THPT, HS được học theo 4 chương trình hay còn gọi là 4 lĩnh vực: Chuyên môn hóa nghệ thuật, khoa học và nhân văn, công nghệ và nghề nghiệp.

Các chương trình chuyên môn hóa nghệ thuật ở cấp THPT dành cho những HS muốn gắn cuộc đời mình với nghệ thuật: Sân khấu, hội họa, âm nhạc... Sau khi tốt nghiệp phổ thông, các em có thể tiếp tục vào học một trường ĐH chuyên ngành hoặc làm việc theo chuyên ngành của mình.

Các chương trình khoa học và nhân văn dành cho những HS THPT có ý định vào ĐH trong tương lai. Ở đây các em có thể lựa chọn các chuyên ngành: Khoa học Xã hội và Nhân văn; Khoa học và Công nghệ; Ngôn ngữ và Văn học; Nghệ thuật thị giác; Kinh tế - Xã hội.

Các chương trình công nghệ cung cấp những kiến ​​thức cho phép HS THPT tiếp tục học tại một trường ĐH chuyên ngành. Có 10 chuyên ngành để HS lựa chọn: Xây dựng đô thị và công trình; Điện và điện tử; Tin học; Thiết kế công nghiệp; Đa phương tiện; Quản lý; Tiếp thị; Quy hoạch các vùng lãnh thổ và môi trường; Hoạt động hữu ích cho xã hội; Thể thao.

Các chương trình nghề nghiệp cho phép người học vừa tiếp thu trình độ THPT, vừa nhận chứng chỉ đào tạo nghề bậc 3. HS được học một nghề nhất định đang có nhu cầu tại địa phương. Các chương trình nghề nghiệp thường được tổ chức tại các xí nghiệp có nhu cầu đào tạo cán bộ trẻ. Người học được bảo đảm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Đa dạng chương trình đào tạo

Bồ Đào Nha còn có nhiều chương trình đào tạo, hướng nghiệp khác ngoài phạm vi nhà trường phổ thông. Tham gia các chương trình này là những công dân Bồ Đào Nha đã học xong trung học cơ sở, nhưng vì nhiều lý do không tiếp tục học lớp 9 - 12, hoặc những người nước ngoài đã nhận thẻ cư trú ở Bồ Đào Nha hoặc đang sống tạm trú.

Các chương trình đào tạo ở Bồ Đào Nha bao gồm nhiều lĩnh vực và thường nằm trong thành phần của các chương trình hàn lâm, chương trình cấp chứng chỉ, và chương trình nâng cao trình độ chuyên môn. Tất cả đều do chính phủ tài trợ thông qua Quỹ Phát triển Khu vực và Quỹ Thống nhất của EU. Học viên tham gia các chương trình này không những được học miễn phí, mà còn được nhận tiền sinh hoạt phí. Còn những học viên có ô tô riêng thì được bù tiền xăng xe.

Ở Bồ Đào Nha có mọi cơ hội để tiếp thu cả trình độ THPT lẫn nhiều ngành nghề. Ngoài ra, sau khi học xong một nghề, HS thường được giúp đỡ để tìm việc làm. Hiện nay, Bồ Đào Nha đang trải qua các cuộc khủng hoảng về dân số, kinh tế, văn hóa. Vì vậy, chính phủ Bồ Đào Nha đang cố gắng nâng cao trình độ giáo dục của thanh niên, trước hết là để hạn chế thanh niên đến các nước EU tìm kiếm việc làm. 

Theo   ug.ru

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.