Bồ câu tung cánh ở Trung Đông

GD&TĐ - Trong suốt nhiều thập kỷ kể từ khi lập quốc năm 1948, Israel chỉ thiết lập quan hệ được với hai quốc gia láng giềng trong thế giới Ả Rập là Ai Cập và Jordan.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhưng chỉ trong vòng hơn 30 ngày qua, quốc gia Do Thái này đã lần lượt đạt được thỏa thuận hòa bình với hai nước nữa là UAE và Bahrain nhờ vai trò trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Việc Israel và UAE đi đến bình thường hóa quan hệ là kết quả từ sự tác động tích cực của ông Donald Trump, đồng thời cũng xuất phát từ mục tiêu chung của cả hai là muốn kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.

Hai nước tuyên bố đạt được thỏa thuận hòa bình hôm 13/8, tiến tới thiết lập đại sứ quán và đường bay thẳng. Đây là quốc gia đầu tiên ở Vùng Vịnh và quốc gia Ả Rập thứ ba lập quan hệ với Israel sau Ai Cập năm 1979 và Jordan năm 1994.

Ngay sau sự kiện lịch sử này, ông chủ Nhà Trắng kêu gọi các nước Ả Rập khác tiếp nối UAE nhằm xây dựng một khu vực Trung Đông hòa bình và ổn định.

Chưa đầy 30 ngày sau, vào đúng dịp kỷ niệm 19 năm vụ tấn công 11/9, Tổng thống Donald Trump viết dòng Tweet thông báo: “Thêm một bước đột phá lịch sử trong ngày hôm nay. Hai người bạn vĩ đại của chúng ta là Israel và Bahrain đã đạt được thỏa thuận hòa bình và đây là quốc gia Ả Rập thứ hai đạt được hòa bình với Israel chỉ trong vòng 30 ngày”.

Israel và Bahrain sẽ chính thức ký kết thỏa thuận với nhau tại Nhà Trắng vào ngày 15/9. Sự kiện này sẽ được ghi nhớ như một trong những thành tựu đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, diễn ra ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu vào Nhà Trắng mà ông đang chạy đua để tái cử. Điều này cho thấy, đây là một tính toán chính trị khá rõ ràng, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của khối cử tri thân Do Thái vốn có ảnh hưởng mạnh mẽ tại thượng tầng chính trường Mỹ. 

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò và dấu ấn của ông Donald Trump đối với tình hình Trung Đông trong suốt nhiệm kỳ qua. Mỗi đời Tổng thống Mỹ khi tranh cử đều hứa hẹn rất nhiều với cử tri Do Thái, nhưng chỉ có Tổng thống Donald Trump khi đắc cử mới hiện thực hóa được một cam kết gây tranh cãi nhất là ký sắc lệnh công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel năm 2017, bất chấp sự phản đối dữ dội của thế giới Ả Rập và các nước Hồi giáo. Ngay sau đó là quyết định mang tính biểu tượng chuyển sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem.

Trong khi đó, tiến trình hòa bình tại Trung Đông sẽ không bao giờ có thể trở thành hiện thực nếu không cải thiện được mối quan hệ giữa Israel với các nước Ả Rập. Vì vậy, sự kiện Israel thiết lập quan hệ với UAE và Bahrain vừa qua được coi là bước tiến lịch sử tại Trung Đông vốn chìm trong căng thẳng và đối đầu giữa nhà nước Do Thái với phần còn lại của khu vực.

Việc các nước Ả Rập mở cửa giao thương với một quốc gia phát triển và năng động bậc nhất Trung Đông là Israel sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế cho cả khu vực, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và làm giảm căng thẳng chính trị một cách bền vững.

Tuy nhiên, cũng đang có sự hoài nghi và phản đối các thỏa thuận với Israel, đặc biệt là từ phía Iran và Palestine. Đây là phản ứng dễ dự đoán nhưng cũng không thể phủ nhận thực tế là xu hướng hòa giải đang được nhiều nước trong khu vực và thế giới hoan nghênh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.