Theo giới truyền thông, Hoa Kỳ đã đưa ra cho các đồng minh những đề xuất nhằm tạo điều kiện cho một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, bao gồm phác thảo các điều khoản để chấm dứt giao tranh và nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Moscow trong trường hợp ngừng bắn lâu dài.
Cả ông Trump và Ngoại trưởng Marco Rubio ám chỉ vào hôm 18/4 rằng, chính quyền đã sẵn sàng từ bỏ nỗ lực làm trung gian hòa bình, chuẩn bị triển khai “các nỗ lực hòa bình của riêng mình [với Nga]”, trừ khi các cuộc thảo luận với chính quyền Kiev có tiến triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance (James David Vance) đã nói tại Rome vào hôm 18/4 rằng, cá nhân ông vẫn “lạc quan” về cơ hội chấm dứt chiến tranh.
Những nhượng bộ cơ bản của Mỹ ở Ukraine
Theo hãng thông tấn Mỹ Bloomberg dẫn các nguồn tin riêng cho biết, Hoa Kỳ đề xuất để chính quyền Kiev chấp nhận rời khỏi các vùng lãnh thổ của Ukraine hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga, cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moscow, nhằm thiết lập lệnh ngừng bắn lâu dài.
Như vậy, chủ trương này của Mỹ cho thấy kịch bản về việc đóng băng thực tế cuộc xung đột hiện tại là các vùng lãnh thổ của Ukraine dưới sự kiểm soát của Nga vẫn phải duy trì tình trạng mà Moscow nắm quyền kiểm soát thực tế đối với chúng, tức là hai bên sẽ giữ nguyên hiện trạng đóng quân cho đến thời điểm lệnh ngừng bắn được thực thi.
Theo những người hiểu rõ vấn đề này, ngoài nhượng bộ về lãnh thổ hiện đang có giao tranh, Hoa Kỳ sẵn sàng công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với khu vực bán đảo Crimea của Ukraine, như một phần của thỏa thuận hòa bình bền vững và rộng lớn hơn giữa Moscow và Kiev.
Ngoài ra, mong muốn gia nhập NATO của chính quyền Kiev sẽ không được xem xét trong khuôn khổ thỏa thuận này.
Tác giả bài viết trên Bloomberg cho biết thêm rằng, các điều kiện mới để giải quyết xung đột do Hoa Kỳ đề xuất cũng bao gồm việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống Nga mà các chính quyền trước đây và chính ông Donald Trump đã áp đặt đối với Moscow kể từ năm 2014 trở lại đây.
Các chuyên gia nói với Bloomberg rằng, những nhượng bộ tiềm năng này là tín hiệu mới nhất cho thấy Tổng thống Donald Trump mong muốn củng cố thỏa thuận ngừng bắn với Nga, bất kể là với cái giá như thế nào.
Châu Âu chưa sẵn sàng nhượng bộ Nga
Bloomberg cho biết, các thành viên của phái đoàn Hoa Kỳ cũng đã đưa ra đề xuất tương ứng với các đồng minh châu Âu, kế hoạch phác thảo này không có các thỏa thuận có sẵn và các điều kiện được đề xuất chỉ là cơ sở cho các liên hệ tiếp theo mà tất cả các bên đều sẽ cùng tham gia thảo luận.
Nhưng cũng theo Bloomberg, ngược lại với sự hào hứng của Washington, các đối tác châu Âu của Hoa Kỳ không mấy hào hứng với đề xuất này vì họ “chưa sẵn sàng công nhận biên giới mới của Nga”.
Các đối tác châu Âu của Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh sự kiên quyết của mình rằng, sẽ không có cuộc đàm phán thực sự nào “cho đến khi nhận được tín hiệu rõ ràng về sự sẵn sàng ngừng bắn từ Nga”.
Ngoài ra, các nguồn tin riêng cũng cho biết, giới lãnh đạo các nước châu Âu cũng muốn có sự tham gia tích cực vào thỏa thuận này và họ đang bàn bạc để xác định những nội dung chính cần thảo luận, đồng thời tìm ra các biện pháp nâng cao vị thế của mình trong thỏa thuận ngừng bắn Ukraine.
Tuy nhiên, ấn phẩm Mỹ nhận định, bất kể thái độ của chính quyền Kiev và các đối tác trong Liên minh châu Âu là như thế nào, lựa chọn này mặc dù chưa chính thức là lựa chọn cuối cùng, nhưng chắc chắn nó sẽ trở thành một nền tảng để xây dựng thêm các mối liên hệ giữa phương Tây và Liên bang Nga.
Cần lưu ý rằng, Hoa Kỳ và Châu Âu hy vọng đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn từ Moscow, nhưng Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc là ông Vasily Nebenzya đã tuyên bố rằng, lệnh ngừng bắn ở Ukraine hiện tại là không thực tế, vì Kiev thường xuyên vi phạm mọi thỏa thuận đã đạt được.