'Bình Yên, về nào!' gieo bao niềm hy vọng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 'Bình Yên, về nào!' là tiếng gọi và tên của bộ phim tài liệu độc lập kể chuyện về những chú gấu sau khi được giải cứu khỏi nơi nuôi nhốt để lấy mật.

Hình ảnh những chú gấu thảnh thơi chơi đùa ở Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được ghi lại trong bộ phim tài liệu 'Bình Yên, về nào'. Ảnh: Hoàng Anh.
Hình ảnh những chú gấu thảnh thơi chơi đùa ở Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình được ghi lại trong bộ phim tài liệu 'Bình Yên, về nào'. Ảnh: Hoàng Anh.

Đó là tiếng gọi và cũng là tên của bộ phim tài liệu độc lập kể chuyện về những chú gấu, sau khi được giải cứu khỏi nơi nuôi nhốt để lấy mật, đã về với Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình thuộc FOUR FAWS Việt.

Bộ phim vừa tiếp tục được công chiếu tới cộng đồng và “tiến tới sẽ phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội cùng mong muốn sẽ góp phần đẩy lùi những hành vi thiếu ý thức của con người với loài động vật hoang dã quý hiếm này”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Việt cho biết.

“Bình Yên, về nào!” được mở ra bằng những tiếng gọi đầy trìu mến và tha thiết của những người làm công tác chăm sóc các cá thể gấu từng bị tổn thương, bạo hành. Cùng với “Bình Yên, về nào!” còn có: “Thái Giang, về nào!”, “Dừa ơi, về nào!”, “Bean ơi, về nào”, “Mùi ơi, về nào!”, “Sam ơi, về nào”…

Những tiếng gọi kéo dài, ngọt ngào và đong đầy sự mong chờ ấy thực sự gieo cảm xúc thân thương để khán giả cùng bước vào với câu chuyện lắng sâu mà bộ phim tài liệu muốn kể…

Nhân vật chính của “Bình Yên, về nào!” là những cá thể gấu may mắn được giải cứu từ những cơ sở nuôi nhốt lấy mật vẫn hiện hữu ở nhiều địa phương trong cả nước.

Dù rằng giờ đây không thể thực sự trở về với tự nhiên nhưng những chú gấu đó vẫn có cả khoảng không gian ngập tràn sắc xanh của cỏ cây cùng sự thân thiện của những công nhân ngày ngày chăm sóc chúng.

“Trong phim, tôi không đẩy tình tiết những cá thể gấu bị nuôi nhốt để lấy mật lên cao quá vì muốn nhấn mạnh về việc người đang khai thác mật gấu do nhận thức chưa tốt. Tôi tin rằng, bản chất không ai muốn làm điều ác mà do người ta chưa biết cách để làm việc thiện. Tới đây, tôi sẽ để bộ phim ở chế độ public (công khai) trên mạng xã hội với mong muốn bộ phim sẽ mang lại cảm giác tích cực để mọi người cũng có thể thay đổi” - Đạo diễn Nguyễn Hoàng Việt.

Ở vườn xanh ấy vẫn có hạt, có củ, quả để gấu “kiếm ăn”; vẫn có những gốc cây sù sì, chiếc giàn cao, mái nhà che nắng… để gấu đùa nghịch, vui chơi…

Mỗi ngày, các công nhân sẽ đều đặn cất tiếng gọi 3 lần vào 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 3 giờ chiều để “mời” gấu về nhà ăn sáng - trưa và tối. Nhưng bọn chúng thì cứ đủng đỉnh đi sâu vào rừng rậm hoặc mải chơi, mải ngủ mà chẳng chịu về đúng giờ…

Bằng những góc máy cận cảnh có khi ở ngay khu chuồng trại cũng có khi ở khu vườn vui chơi của các cá thể gấu, có khi là lời trò chuyện mộc mạc của những công nhân trực tiếp chăm sóc gấu, bộ phim tài liệu “Bình Yên, về nào” đã đem đến cho khán giả những thước phim nhiều cảm xúc.

Ở đó, giữa gấu và người dường như không còn khoảng cách, không có sự sợ hãi mà chỉ là những yêu thương, nũng nịu, chiều chuộng. Cảnh một công nhân cẩn thận vặn lại những cái mắt võng để hôm sau chú gấu già lên đó nằm ngủ thật ấm áp.

Cảnh nữ công nhân dỗ dành Dừa uống thuốc cứ như thể là dỗ dành một đứa trẻ. Rồi buổi sớm mai, cũng nữ công nhân này mở cửa gọi các người bạn của mình thức dậy.

Hay sau những trò đùa với bạn, gấu Bean lặc lè trở về đòi ăn nốt quả chuối cuối cùng trong tay chị công nhân để chị phải cảnh báo: “Bean ăn nhiều thế, ăn hết phần người khác rồi, thôi nhé. Hết quả này nhé, hết rồi. Không cho ăn nhiều đâu, ăn nhiều béo…”.

Bộ phim tài liệu 'Bình Yên, về nào' còn ghi lại những câu chuyện của các công nhân làm việc ở Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Anh.
Bộ phim tài liệu 'Bình Yên, về nào' còn ghi lại những câu chuyện của các công nhân làm việc ở Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Anh.

Với nữ công nhân này, sau mấy năm gắn bó với các bạn gấu, chị thấy mình trở nên kiên trì và nhẫn nại hơn. Cũng vì, để chăm sóc chúng chẳng thể nóng vội mà cứ phải thong thả cất tiếng gọi kéo dài cả tiếng đồng hồ hay dỗ dành, nịnh nọt “người bạn” đổ bệnh uống thuốc theo chế độ, mất cả nửa ngày.

Tiếng cười, tiếng trò chuyện chân chất của các công nhân về công việc của mình đã làm nên sự sống động của bộ phim và cũng qua đây họ được chia sẻ một phần công việc của mình chưa bao giờ là dễ dàng, đơn giản nhưng luôn ăm ắp cảm xúc.

Nhất là cảnh quay gần cuối phim khi 3 chú gấu con cùng mẹ được giải cứu trở về nơi đây; ở phía xa, các bạn gấu vui mừng cố ngó qua lỗ sổ để nhìn mặt thành viên mới và đêm đêm các chú gấu con được chăm sóc như những đứa trẻ, thật chân thực và xúc động…

Nhưng, đan xen vào những phút giây bình yên, ngọt ngào ấy còn là các clip quay trực diện một số cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép phục vụ cho mục đích lấy mật.

Dù thời lượng của những cảnh quay này không nhiều nhưng vẫn đủ gây sức ám ảnh với người xem khi tận mắt chứng kiến những việc làm vô nhân đạo ấy.

Cũng chính vì thế mà những thước phim xanh mát của thiên nhiên cùng những đôi bàn tay chăm sóc, yêu chiều các cá thể gấu may mắn được giải cứu kia càng được nâng lên như tiếng gọi tới cộng đồng hãy cùng chung tay mở những đường về bình yên cho loài động vật hoang dã này…

Theo số liệu được cung cấp từ FOUR FAWS Việt, tính đến tháng 2/2023 tại Việt Nam còn 251 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt, trong đó có hơn 180 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại Hà Nội chiếm tầm 53%.

Bộ phim “Bình Yên, về nào” được sản xuất trong khuôn khổ dự án “Sản xuất phim tài liệu sinh thái” năm 2021 - 2022 của Viện Goethe phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) và Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã nước Việt (FOUR PAWS Việt).

Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Việt, trong đợt thực hiện bộ phim, ê-kíp không gặp tình huống giải cứu nào nên những clip về các cá thể gấu bị nuôi nhốt được sử dụng tư liệu do CCD và FOUR PAWS Việt cung cấp. Dẫu vậy, đạo diễn và người dựng phim đã chọn cách kể thông minh khi đan xen giữa thế giới bình yên và thế giới bị giam cầm của các cá thể gấu.

Cũng bởi, họ mong muốn ngay từ tiếng gọi và cũng là tên bộ phim - “Bình Yên, về nào” sẽ gieo bao niềm hy vọng về một chặng đường được trở về bình yên đối với loài động vật hoang dã này…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.