Vì sao con muốn bỏ nhà ra đi?
Thường khi trẻ con bắt đầu rơi vào độ tuổi nổi loạn, chúng sẽ luôn luôn giữ trong đầu suy nghĩ rằng mình đã bắt đầu trưởng thành, mình có thể làm mọi thứ mình muốn và không nhất thiết lúc nào cũng có sự quản thúc của bố mẹ bên cạnh.
Và đến lúc đấy, khi bố mẹ có nói gì hay làm gì chúng sẽ chẳng bao giờ nghe và làm theo và đôi khi còn thấy khó chịu rồi cãi lại bố mẹ. Những gia đình có con khi đang đến độ tuổi nổi loạn, nảy sinh việc bất hòa giữa con cái và bố mẹ là chuyện thường tình do hai luồng suy nghĩ không giống nhau giữa bố mẹ và những đứa con.
Có trường hợp do cãi nhau với gia đình, hay gặp vấn đề ở trường lớp, các con sẽ có suy nghĩ rất tiêu cực, hờn dỗi với mọi người hoặc hờn dỗi với “cuộc đời” mình rồi nảy sinh ra suy nghĩ bỏ nhà ra đi, không muốn về nhà gặp gỡ hay nói chuyện với ai, chỉ thích được một mình.
Không chỉ những đứa con bị bố mẹ kìm kẹp, quản lí quá chặt chẽ cảm thấy khó chịu, bực dọc mà cả các bậc phụ huynh cũng phát mệt, bất lực và đau khổ vì phải chứng kiến, phải nghe những lời lẽ khó lọt tai từ đứa con của mình.
Đôi khi họ sẽ tự dằn vặt mình rằng do mình không biết nuôi, biết dạy con, do bản thân đã quá hiền và chiều chuộng con, nuôi dạy không đúng cách,v.v…Và tất nhiên, chả ai muốn cho con mình “nổi loạn” theo hướng xấu cả, nên đa số các phụ huynh sẽ có suy nghĩ phải cứng rắn, chặt chẽ hơn trong việc dạy bảo, quản lí con.
Nhưng họ lại không biết rằng khi con mình đang ở độ tuổi nổi loạn, chúng sẽ rất nhạy cảm khi bị mắng mỏ, chửi rủa hay đánh đập và bố mẹ càng kìm kẹp chúng thì chúng sẽ càng chống lại mọi ý kiến của bố mẹ.
Cũng có thể chỉ vì hận thù bố mẹ trong tức thời do bị mắng mỏ, chửi bới, đánh đập mà có những đứa con đã hình thành những suy nghĩ và hành động rất nguy hiểm gây ra cho bố mẹ hoặc bản thân chúng. Do đó, những phụ huynh có ý định dùng biện pháp “rắn” để dạy bảo con như mắng mỏ, hay đánh đập, v.v... là điều hoàn toàn không nên khi trẻ đang đến tuổi nổi loạn.
Chỉ vì con đang lớn
Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, đây chính là dấu hiệu cho thấy đứa con của mình đang lớn và phát triển một cách hoàn toàn bình thường. Những dấu hiệu con bắt đầu phản bác lại ý kiến của cha mẹ không hoàn toàn là dấu hiệu của việc con mình hư hỏng. Thay vì mắng mỏ chúng, cha mẹ hãy lắng nghe và nhìn nhận nhu cầu của chúng.
Từ đó khuyến khích con nói ra những điều mong muốn và rồi phân tích cho trẻ cái gì đúng, cái gì sai, cái được phép và cái không được phép. Điều quan trọng mà cha mẹ cần nhớ là luôn thực hiện mọi thứ trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng và yêu thương.
Bước vào giai đoạn nổi loạn, cũng đồng nghĩa với việc con mình đang dần dần trưởng thành, khi đó chúng sẽ chẳng phải những đứa con bé bỏng luôn luôn tìm đến sự giúp đỡ, chiều chuộng của bố mẹ nữa. Chúng sẽ bắt đầu muốn được ở một mình, muốn tự mình làm mọi thứ mà không muốn bố mẹ can thiệp.
Khi đó, mọi ông bố bà mẹ cần phải hiểu tâm lý con mình và để chúng một mình khi chúng cần chứ không phải cố can thiệp rồi sẽ chỉ gây ra tranh cãi giữa bố mẹ và con cái. Hãy là những bậc phụ huynh tâm lí, thông thái và bao dung khi chúng muốn ở một mình, hãy để con được tự lớn lên, làm những điều chúng thích dù đúng hay sai, không mắng mỏ, nói những câu nói nặng nề mà thay vào đó hãy tâm sự nhẹ nhàng với con mình để con có thể hiểu được suy nghĩ và tình cảm của mình, và cũng để mình hiểu được con mình hơn.