Bình Nhưỡng đang thực tâm thay đổi?

GD&TĐ - Chỉ không đầy một tuần nữa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại khu vực phi quân sự giữa hai đất nước. 

Bình Nhưỡng đang thực tâm thay đổi?

Cuộc họp thượng đỉnh mang tính bước ngoặt này cũng là lần gặp gỡ đầu tiên của lãnh đạo hai nước kể từ hơn 1 thập kỷ đến nay, đã được sắp xếp sau sự xuất hiện của ông Kim tại hàng loạt các hoạt động ngoại giao quốc tế sau nhiều năm cô lập.

Tất cả những sự kiện này diễn ra trước một cuộc gặp gỡ ngoại giao quan trọng nhất, khi ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gặp gỡ vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2018. Điều đáng nói là mới chỉ vài tháng trước, Bình Nhưỡng tung ra hàng loạt hành động để chứng tỏ các tiến bộ của chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên, đe dọa lãnh thổ Guam của Mỹ và tuyên bố hoàn toàn có thể tấn công vào lãnh thổ Mỹ. Điều gì đã khiến thái độ của ông Kim thay đổi nhanh chóng đến vậy? Dưới đây là phân tích của một số chuyên gia và nhà bình luận quốc tế.

Mong manh nền kinh tế Triều Tiên

William Brown, Giáo sư trợ giảng tại ĐH Ngoại ngữ Georgetown:

Triều Tiên đang ở trong tình trạng dễ tổn thương về mặt kinh tế, với sự suy giảm mạnh mẽ trong thương mại với Trung Quốc, khi xuất khẩu của Triều Tiên giảm tới 95% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn 9 triệu USD trong tháng 2 vừa qua.

Nhập khẩu cũng giảm khoảng 1/3, chỉ còn 103 triệu, trong đó các mặt hàng nhập khẩu hầu như không có giá trị lâu dài: Không có máy móc, ngũ cốc, sản phẩm dầu mỏ hay xe. Những số liệu này có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng đó là thông tin mà Bắc Kinh chính thức đưa ra và có thể gây rắc rối cho Bình Nhưỡng.

Có thể nói, nền ngoại thương của Triều Tiên đang ở tình trạng èo uột nhất kể từ sau chiến tranh Triều Tiên. Dù có biện luận thế nào đi nữa, thì đất nước này cũng gần như không thể tự lực, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm, nhiên liệu và máy móc.

Trong nước, nền kinh tế này cũng phải đối mặt với áp lực rất lớn. Đồng dollar Mỹ cùng nhân dân tệ Trung Quốc đang ngày càng phổ biến hơn, mặc dù không chính thức. Hiện tượng này mang lại những lợi ích quan trọng cho hoạt động thị trường và năng suất khu vực tư nhân, nhưng cũng đặt ra những vấn đề lớn cho chế độ này với nguy cơ khu vực tư nhân sẽ làm suy yếu quyền kiểm soát của nhà nước, gây khó khăn trong kiểm soát tín dụng và lạm phát, dẫn đến nguy cơ sụp đổ tiền tệ có thể được dàn xếp từ bên ngoài.

Tự tin với sức mạnh hạt nhân

Jean H.Lee, Giám đốc Trung tâm Lịch sử Hàn Quốc và chính sách công, Quỹ Hyundai:

Sự xuất hiện của ông Kim Jong Un trước thế giới trong giai đoạn qua như một nhà lãnh đạo quân sự tài ba là một phần của chiến lược chính trị được thực hiện một cách tỉ mỉ và thực thi một cách có phương pháp.

Với các nội dung về chương trình hạt nhân và vị thế của ông Kim trong vai một nhà lãnh đạo quân sự có khả năng bảo vệ người dân, ông Kim đang hướng sự chú ý của mình vào quan hệ quốc tế và bước lên sân khấu thế giới không chỉ đơn giản là một nhà lãnh đạo trẻ được thừa kế quyền lãnh đạo của một đất nước nghèo khổ, mà là một nhà lãnh đạo được hỗ trợ bởi một chương trình vũ khí hạt nhân có khả năng tạo mối đe dọa tới an ninh toàn cầu.

Nhờ chương trình này mà ông Kim có thể tự tin rằng các nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ phải đối xử với ông một cách bình đẳng, đồng thời đưa ông đến bàn thương lượng với Mỹ trong vị thế đồng đẳng, chứ không phải trong vai một kẻ yếu. Việc ngồi xuống bàn đàm phán với ông Moon, và sau đó là ông Trump, sẽ được coi như một thắng lợi ở Triều Tiên. Cả cha và ông của ông Kim đều chưa từng hội đàm với một tổng thống Mỹ nào.

Tất nhiên, “chiến thắng” này chủ yếu là để tuyên truyền với người dân trong nước, nhưng ông Kim cần đến điều này để giải tỏa những nghi vấn về quyền lực và sự lãnh đạo của mình.

Thực tế, bất luận Bình Nhưỡng có “biến hóa” những sự kiện này như thế nào, thì Triều Tiên vẫn là một đất nước nghèo khó rất cần sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Kéo dài thời gian để trì hoãn một cuộc chiến?

Ông Adam Mount, Ủy viên cao cấp, Giám đốc Dự án Quốc phòng, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ:

Các hoạt động ngoại giao là một phần của trò chơi. Có thể Bình Nhưỡng đã tính toán rằng nguy cơ chiến tranh đã tăng đến mức không thể chấp nhận và cách tốt nhất là kéo dài thời gian, nhất là trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, một nhiệm kỳ ghi dấu ấn bởi những đe dọa thất thường, sự phô diễn quân sự và việc bổ nhiệm những người có quan điểm cứng rắn vào các vị trí cao cấp.

Nếu chiến tranh xảy ra, Triều Tiên có thể sẽ gây thiệt hại lớn cho Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng bản thân Bình Nhưỡng cũng sẽ tổn thất rất lớn. Để kéo dài thời gian, Triều Tiên có thể đưa ra những nhượng bộ ở mức trung bình, tạm thời hạn chế các chương trình thử nghiệm hạt nhân và tên lửa như những bước đi hoàn toàn mang tính biểu tượng mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quên rút chìa khóa xe (!?)

GD&TĐ - Công an quận Hoàn Kiếm tạm giữ 10 thanh thiếu niên, tất cả đều trú tại Hà Nội, để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông.