Chiến thắng tối thiểu trước U23 Mayanmar đã giúp U23 Việt Nam giành được ngôi nhất bảng I với 6 điểm tuyệt đối cùng vé trực tiếp dự vòng chung kết U23 châu Á 2022, đồng thời gián tiếp khiến đối thủ bị loại.
Dù giành quyền đi tiếp, tuy nhiên màn trình diễn có phần nhạt nhòa của Văn Toản và các đồng đội chưa khiến người hâm mộ an tâm. Bên cạnh đó lối chơi có phần bạo lực của một số cầu thủ Việt Nam khiến không ít người cảm thấy thất vọng.
Nhận xét về một vài hành động xấu xí của các cầu thủ U23 Việt Nam ở trận đấu với U23 Myanmar, bình luận viên Quang Tùng chia sẻ trên trang Pháp luật và bạn đọc: "Đây là điều đã nói đi nói lại vài lần rồi. Nó là thứ mà chúng ta phải rút kinh nghiệm sâu sắc. Từ cấp độ CLB, rồi lứa trẻ, chúng ta cần phải có một chương trình uốn nắn tương đối nghiêm túc.
Việc dùng VAR để hỗ trợ trọng tài rồi sẽ trở thành một phần tất yếu của bóng đá. Đến lúc tham dự những giải đấu có chất lượng cao, ví dụ như vòng loại World Cup, chúng ta sẽ được trải nghiệm điều đó.
Và giả sử như kể cả không có VAR thì chúng ta cũng cần phải chơi sao cho thật đẳng cấp. Tức là kể có động tác tay thì cái tay đó cũng phải như thế nào chứ.
Nhìn chung, theo tôi nếu muốn tiến lên đỉnh cao, muốn thi đấu quốc tế, muốn vươn tầm thì chúng ta phải tiêu chuẩn hóa những thao tác của mình. Cái gì không đủ tiêu chuẩn thì phải giảm thiểu nó và dần dần loại bỏ.
Xét cho cùng, kỹ thuật kém, khả năng xử lý kém thì mới có động tác thừa. Kể cả việc dùng tiểu xảo cũng vẫn là thừa cơ mà. Tính chất việc đó vẫn là kém. Vì thế nên giảm thiểu những việc đó và thay thế bằng những thứ tiêu chuẩn hơn".
Đánh giá chung về chiến thắng 1-0 của U23 Việt Nam trước U23 Myanmar, Bình luận viên Quang Tùng cho rằng: "Nói chung chất lượng của cả hai đội đều chỉ ở mức độ vừa phải.
Dù vậy U23 Việt Nam vẫn có phần nhỉnh hơn, không chỉ ở vấn đề tỉ số mà nhìn chung chúng ta có chất lượng và nhiều cầu thủ kinh nghiệm hơn. Ít nhiều thì U23 Việt Nam cũng có những nhân tố để điều chỉnh nên chúng ta đã có được chiến thắng."
"Thực ra sau một giai đoạn rất dài không thi đấu chính thức, những trận đấu ở vòng loại khó lòng lột tả hết được chất lượng thực sự của một lứa cầu thủ. Nhưng nó cũng phản ánh phần nào đó năng lực của U23 Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Điều này sẽ khiến cho chúng ta cũng phải có sự chuẩn bị chu đáo hơn, có thể phải tăng cường lực lượng để hướng tới vòng chung kết U23 châu Á với một mục tiêu cao hơn".
Trong năm 2022 tới, U23 Việt Nam sẽ tham dự 2 đấu trường lớn là SEA Games 31 và vòng chung kết U23 châu Á, về các sân chơi này, bình luận viên Quang Tùng bày tỏ: "Với SEA Games 31, mục tiêu của chúng ta vẫn là tranh chấp huy chương vàng thôi. Tất nhiên điều này cũng không hoàn chắc chắn dù Việt Nam được chơi trên sân nhà.
Còn với vòng chung kết U23 châu Á 2022, mọi thứ sẽ khó hơn. Tuy nhiên bản chất đây vẫn là một giải đấu trẻ, nhiều nền bóng đá hàng đầu châu Á chưa chắc đã sử dụng những cầu thủ ưu tú nhất ở lứa tuổi này đâu.
U23 Việt Nam có lẽ sẽ không phải lo đến mức độ mà không đá được. Tôi nghĩ chúng ta vẫn sẽ chơi được, còn việc có tiến sâu được hay không lại là vấn đề khác".
Bình luận viên nói thêm: "Với HLV Park Hang Seo, tất cả những mục tiêu đều là áp lực lớn với ông ấy cả. Chưa có nhiệm vụ nào là áp lực nhỏ. Mục tiêu của bóng đá Việt Nam là phải lọt vào vòng chung kết U23 châu Á.
Tại đó, ít nhất chúng ta cũng phải đặt mục tiêu vượt qua vòng bảng, chứ kết quả như năm 2020 có thể coi là thất bại rồi. Nhìn chung đây đều là những nhiệm vụ khó chứ không đơn giản đâu".
Tại vòng chung kết U23 châu Á, 6 đội bóng góp mặt sẽ được chia làm 4 nhóm hạt giống và sau đó bốc thăm chia làm 4 bảng đấu.
Căn cứ vào thành tích tại giải U23 Châu Á 2020, U23 Việt Nam sẽ được xếp vào nhóm hạt giống số 3 cùng với U23 Iraq, U23 Qatar và U23 Nhật Bản.
Theo quy định của Liên đoàn bóng đá Châu Á, những cầu thủ sinh từ ngày 1/1/1999 trở về sau sẽ được dự vòng chung kết U23 Châu Á 2022. Mỗi đội được phép đăng kí tối thiểu 18 cầu thủ và tối đa 23 cầu thủ.
VCK U23 châu Á 2022 được tổ chức tại Uzbekistan, từ ngày 1-19/6/2022. Đây là lần thứ 5 giải đấu được tổ chức kể từ năm 2014. Các nhà vô địch của giải đấu lần lượt là Iraq, Nhật Bản, Uzbekistan và Hàn Quốc.
Trong lịch sử VCK U23 châu Á, U23 Việt Nam đã giành được chức Á quân trên đất Thường Châu vào năm 2018 sau khi thua Uzbekistan trong trận chung kết.
Ở giải U23 châu Á, U23 Hàn Quốc là đội xuất sắc nhất tại các giải U23 châu Á. Họ đã có 1 lần vô địch, 1 lần về nhì và 2 lần đứng hạng Tư chung cuộc.
Phân nhóm hạt giống U23 châu Á 2022 tổ quốc tại Uzbekistan (từ ngày 1/6-19/6/2022)
Nhóm 1: Uzbekistan (chủ nhà), Úc, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út
Nhóm 2: Thái Lan, UAE, Jordan, Iran
Nhóm 3: Qatar, Iraq, Việt Nam, Nhật Bản
Nhóm 4: Malaysia, Tajikistan, Kuwait, Turkmenistan.