Hiện nay rất khó có thể tìm được một quan điểm dự đoán tương lai cụ thể của Facebook. Hầu hết những quan điểm có giá trị đều xuất phát từ những nhân viên đã từng làm ở Facebook, bởi những trải nghiệm của họ thường đem đến những suy nghĩ khá mới mẻ.
Eugene Wei, một cựu quản lý về lĩnh vực video thuộc mảng Oculus của Facebook từ năm 2015 đến năm 2017, là một trong những người có lối suy nghĩ này.
Trong một trang blog mới đây, anh đã chỉ ra một vài cách mà Facebook hoạt động trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người, giúp chúng ta dự đoán được tương lai của mạng xã hội.
|
Giá trị của mạng xã hội nằm ở khả năng tăng cường tương tác của người dùng |
Trước tiên, Eugene Wei đưa ra những cách nhìn nhận mới về giá trị của các mạng xã hội (MXH) như Facebook, Instagram và TikTok. Giá trị của chúng không nằm ở các tiện ích mà nằm ở khả năng tăng cường tương tác xã hội của người dùng.
Một trong những lí do mà người trẻ thường hướng tới sử dụng những ứng dụng này nằm ở việc chúng giúp gia tăng trải nghiệm xã hội. Đó cũng là lý do mà những người lớn tuổi thường không quan tâm nhiều đến MXH, bởi họ đã có tất cả vốn kiến thức xã hội mà họ cần.
Nhìn chung, đây là những gì mà Wei gọi là “Thể hiện trạng thái-như-một-dịch vụ” (Status-as-a-service). MXH không tự tạo ra hoạt động tương tác, ngược lại, nó yêu cầu người dùng thực hiện những hành động thể hiện mang tính sáng tạo mà đối với một sô người sẽ là điều khó khăn. Nhưng nếu họ thực hiện đúng, họ có thể giành được những trải nghiệm xã hội ấn tượng.
Vì vậy, cách cảm nhận về giá trị của một mạng xã hội là mức độ hiệu quả của nó trong việc trợ giúp người dùng tạo ra tương tác. Đây là lí do TikTok đang trở nên “nóng” hơn và Facebook trở nên “lạnh” đi.
“Các hiệu ứng tương tác sẽ chẳng đáng là bao nếu người dùng không có sự đầu tư về mặt kĩ năng và nỗ lực để tạo ra nó. Một mạng xã hội không hẳn là hữu dụng khi nó khiến người dùng tạo ra tương tác một cách dễ dàng, nhưng sự cạnh tranh tương tác vẫn là động lực của người dùng trong mạng xã hội.
Hãy nhớ lại nguyên lý đầu tiên của loài người: Họ là những kẻ luôn săn tìm địa vị. Tương tác giống như những bậc thang có tính tương đối. Từ định nghĩa trên, nếu ai cũng có thể đạt được một lượng tương tác nào đó, thì nó chẳng phải tương tác nữa, mà chỉ là một phần thưởng cho sự tham gia của họ.
Musical.ly (thương hiệu khởi đầu của TikTok) đã tạo ra một thách thức nhỏ (nhưng không dễ vượt qua) trong việc tạo ra những video ngắn ấn tượng để gia tăng lượng người theo dõi và tương tác. Nhưng đối với những bạn trẻ tuổi teen, đặc biệt là các bạn gái, đây lại là trò chơi mà họ có lợi thế thắng cuộc. Vì vậy rất nhiều bạn trẻ cùng sử dụng nó, vì họ luôn tìm cách hữu hiệu nhất để gia tăng vốn xã hội của họ.”
Vậy một mạng xã hội “lạnh” sẽ làm gì? Facebook sẽ tiếp tục đầu tư vào các nguồn gia tăng vốn xã hội như Instagram, Messenger hay các sản phẩm giải trí?
Những cách làm đó có hiệu quả trong một thời gian nhất định, nhưng Wei chỉ ra rằng: thế hệ tiếp theo sẽ học hỏi trực quan về vốn xã hội của thế hệ dịch vụ hiện tại (bao gồm Facebook, YouTube và Twitter) để xây dựng một sản phẩm khác biệt. Vẫn chưa rõ là liệu Facebook sẽ chỉ tiếp thu ý tưởng này – giống như câu chuyện của Snapchat, hay một thử thách khác lớn hơn sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, Wei không chắc chắn những ý tưởng tương tác mới sẽ truyền cảm hứng cho thế hệ người sáng lập tiếp theo tạo ra các ứng dụng MXH mới, hoặc ít nhất đóng vai trò là điểm tham chiếu. "Thật hồn nhiên khi dựa vào quy mô của Facebook và cho rằng MXH này sẽ thống trị mãi mãi".
Wei lưu ý rằng với những hiệu ứng tương tác hấp dẫn, các MXH hiện nay hiện đang thu hút được một lượng rất lớn người sử dụng. Tuy nhiên khi xuất hiện những hiệu ứng tương tác mới mang tính đảo ngược, chúng sẽ là một cuộc cách mạng tàn nhẫn. Khi đó, một MXH khổng lồ như Facebook cũng sẽ dễ dàng sụp đổ. Một ví dụ ư, hãy nhìn MXH MySpace đã thành công và sụp đổ như thế nào với hiệu quả tương tác trong thế giới ảo của họ.