Bình Dương: Hành trình sai phạm của nhiều cán bộ cấp cao

GD&TĐ - Ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cùng nhiều lãnh đạo khác bị xác định vi phạm quy định về đất đai, gây thất thoát ngân sách. Hiện tại, các khu “đất vàng” bị thất thoát đang được tích cực thu hồi.

Ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.
Ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.

Nhiều cán bộ bị khởi tố

Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT TƯ) vừa ra thông cáo với nội dung xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của một số tổ chức Đảng và Đảng viên ở Bình Dương.

UBKT TƯ nhận thấy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 – 2020 và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm… để một số tổ chức Đảng, Đảng viên vi phạm các quy định trong quản lý, sử dụng đất đai; vốn, tài sản tại Tổng Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2).

Việc này gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản Nhà nước; khiến nhiều cán bộ bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Trong đó, ông Trần Văn Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Ông Nam bị xác định phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản áp dụng giá thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát ngân sách; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43ha đất tại Tổng Công ty 3/2; hợp thức việc chuyển nhượng trái phép Dự án Tân Phú cho tư nhân; để Tổng Công ty 3/2 đưa 145ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật.

Vì vậy, UBKT TƯ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 và ông Trần Văn Nam cùng các lãnh đạo khác của tỉnh Bình Dương có sai phạm liên quan. UBKT TƯ yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương được xem xét, xử lý kỷ luật các tổ chức Đảng,

Đảng viên có liên quan các vi phạm trên. Cũng vì các sai phạm tại Tổng Công ty 3/2, UBKT TƯ quyết định thi hành kỷ luật nhiều cán bộ tại Bình Dương bằng các hình thức từ cảnh cáo đến khai trừ ra khỏi Đảng.

Trong vụ án tại Tổng công ty 3/2, đầu tháng 6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố thêm 4 bị can gồm Nguyễn Đại Dương – con rể ông Nguyễn Văn Minh. Ông Minh trước đó đã từ chức Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 3/2 và trong năm 2020 bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Được biết, Tổng Công ty 3/2 từng thỏa thuận với Công ty Bất động sản Âu Lạc thành lập liên doanh là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú với mục đích đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất 43ha thuộc Tổng Công ty 3/2. Năm 2016, Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng sai quy định khu đất trên cho Công ty Tân Phú với giá hơn 250 tỷ đồng dù đây là tài sản Nhà nước dẫn tới thất thoát. 

Trả lại tiền, đất đai

Bị can Nguyễn Văn Minh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 3/2.
Bị can Nguyễn Văn Minh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 3/2.

Khi có kết luận của UBKT TƯ, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã chủ trì hội nghị cán bộ chủ chốt để thông tin về một số vấn đề liên quan đến khu đất 43ha và 145ha tại Tổng Công ty 3/2.

Các sai phạm cụ thể gồm vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện áp dụng giá đất năm 2006 để thu tiền sử dụng đất đối với khu đất 43ha và 145ha dù được giao năm 2012 - 2013; vi phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để Tổng Công ty 3/2 chuyển nhượng khu đất 43ha và 30% vốn Nhà nước cho tư nhân trái quy định; vi phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để Tổng Công ty 3/2 đưa 145ha đất đi góp vốn không qua định giá, gây thất thoát.

Theo Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, nguyên nhân để xảy ra sai phạm chủ yếu là do Thường trực Tỉnh ủy, các cá nhân có liên quan thiếu kiểm tra, giám sát đồng thời xuất phát từ mục đích nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung của tỉnh; không có tư lợi, vụ lợi, không có lợi ích nhóm.

Tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy đã nêu ra một số giải pháp, phương hướng khắc phục hậu quả vụ việc.

Đối với khu đất 43 ha, Tổng Công ty 3/2 và Công ty Âu Lạc đã chủ động nộp đủ số tiền cho cơ quan chức năng, khắc phục triệt để thất thoát đã gây ra.

Cụ thể, năm 2019, Tổng Công ty 3/2 đã nộp hơn 125 tỷ đồng vào tài khoản phong tỏa của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương với nội dung tạm nộp phần chênh lệch giá trị của khu đất 43ha tính theo giá UBND tỉnh Bình Dương ban hành năm 2016 so với giá chuyển nhượng. Số tiền này đã được chuyển về Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Năm 2020, Công ty Âu Lạc đưa cho Tổng Công ty 3/2 hơn 126 tỷ đồng để nộp cho Công an tỉnh Bình Dương. Như vậy, các doanh nghiệp đã nộp hơn 252 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Đối với khu đất 145ha, được biết Tổng Công ty 3/2 đã không định giá khu đất này trước khi mang đi góp vốn vào liên doanh là Công ty Tân Thành dẫn tới thất thoát.

Đến năm 2019, các cổ đông của Công ty Tân Thành đã tự nguyện có văn bản đề nghị được chuyển nhượng lại toàn bộ phần vốn góp cho Công ty Impco (doanh nghiệp 100% vốn của Đảng) bằng giá trị ban đầu theo sổ sách kế toán trước đây.

Như vậy, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển giao 100% vốn góp của các cổ đông trong Công ty Tân Thành, Công ty Impco sẽ thu hồi toàn bộ khu đất 145ha, góp phần hạn chế thiệt hại cho Nhà nước.

Ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các khóa XI, XII và XIV, ứng cử viên ĐBQH khóa XV. Ngày 7/6, ông Nam xin rút khỏi danh sách ĐBQH vì lý do sức khỏe. Hội đồng bầu cử Quốc gia sau đó ra nghị quyết không xác nhận tư cách ĐBQH của ông Nam trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Antony Blinken trong cuộc họp với Ủy ban Tài chính Thượng viện về viện trợ cho Israel và Ukraine.

Di sản của ông Antony Blinken

GD&TĐ - Ông Antony Blinken đã dành hai tuần cuối cùng tại nhiệm để trả lời báo chí bảo vệ thành tích của mình với tư cách là nhà ngoại giao của Mỹ.