Học sinh Bình Định mạnh dạn, tự tin khi học Chương trình mới

GD&TĐ - Chiều 25/3, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định về đổi mới chương trình, SGK GDPT.

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã gặp và trao đổi với học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Ảnh: Hoàng Vinh
Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã gặp và trao đổi với học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Ảnh: Hoàng Vinh

Dạy học phân hóa đối tượng

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Lý Tiết Hạnh – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, Chương trình GDPT 2018 đã đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2006. Chương trình GDPT 2018 được đánh giá là phù hợp với khả năng tiếp thu của người học. Việc đa dạng hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh cho thấy học sinh mạnh dạn, tự tin.

Thực tế quá trình giám sát, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Định đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và các cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của năm học. Việc triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo kế hoạch, trong đó đã hoàn thành chương trình giảng dạy đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc theo yêu cầu.

Bà Lý Tiết Hạnh - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Bà Lý Tiết Hạnh - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Về đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, qua giám sát cho thấy, việc đánh giá, khen thưởng học sinh của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Định được thực hiện đúng theo Thông tư của Bộ GD&ĐT.

“Đánh giá về sách giáo khoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, qua giám sát, đa số các ý kiến đánh giá nội dung sách giáo khoa cơ bản phù hợp với mục tiêu, yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Lượng kiến thức truyền thụ phù hợp với từng đối tượng học sinh, phù hợp với khả năng tư duy và nhận thức cũng như khả năng vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống của học sinh…”, bà Hạnh thông tin.

Về đội ngũ nhà giáo, đến thời điểm giám sát, tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ theo Luật Giáo dục 2019 đối với bậc Tiểu học đạt 85,36%, bậc THCS đạt 86,06%, bậc THPT đạt 100%, có 2 giáo viên có trình độ tiến sỹ, 1.025 nhà giáo có trình độ thạc sỹ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay…

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Vinh.

Việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp, các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018 được các cơ sở giáo dục thực hiện linh hoạt, phù hợp với biên chế, thực trạng tình hình. Hiện nay, 100% giáo viên bố trí dạy các môn tích hợp, các môn học mới theo Chương trình GDPT 2018 được đào tạo bồi dưỡng đảm bảo theo chương trình của Bộ GD&ĐT.

Các cơ sở giáo dục đã sắp xếp, bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp, như: Lịch sử - Địa lí, Khoa học tự nhiên, Giáo dục địa phương... phù hợp khả năng chuyên môn, đồng thời tăng cường sinh hoạt tổ chuyên môn để trao đổi, bổ sung kiến thức kỹ năng cho giáo viên. Ngoài ra, cơ sở vật chất trong trong trường học được bổ sung đầu tư đầy đủ, đáp ứng về nhu cầu học tập.

Cần chính sách tinh giản biên chế phù hợp đặc thù ngành giáo dục

Đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cũng có một số kiến nghị với các cấp tại buổi làm việc. Trong đó, kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, kiểm tra và thực hiện giải pháp giảm giá sách giáo khoa, đồng thời có chính sách hỗ trợ giá sách giáo khoa cho học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo, học sinh vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và hỗ trợ kinh phí cho các trường phổ thông mua sách trang bị đầy đủ vào thư viện để học sinh học tập và tham khảo.

Kiến nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét tham mưu Chính phủ có chính sách tinh giản biên chế phù hợp đặc thù ngành giáo dục, đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp tại các cơ sở giáo dục phải căn cứ vào số học sinh/số lớp.

Ông Trịnh Xuân Long – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định cho rằng, về chỉ tiêu biên chế toàn tỉnh từ năm 2015 đến nay tổng số chỉ tiêu biên chế tinh giản đảm bảo 10%, tuy nhiên riêng ngành giáo dục không giảm chỉ tiêu nào.

“Ngành giáo dục thì không thể thu hẹp biên chế được, bởi số lượng học sinh đều tăng qua các năm. Do vậy riêng với giáo dục đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét về vấn đề biên chế, nhất là đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp. Có quan tâm vậy thì hệ thống chính sách và quyền lợi giáo viên mới có tính lâu dài”, ông Long kiến nghị.

Ông Trịnh Xuân Long - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định nêu ý kiến tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Hoàng Vinh.

Ông Trịnh Xuân Long - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Định nêu ý kiến tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Hoàng Vinh.

Tại buổi làm việc, một số kiến nghị cũng được các ngành chức năng của tỉnh Bình Định đưa ra tập trung liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, tuyển dụng giáo viên, biên chế giáo viên…

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, qua gần 2 ngày làm việc tại Bình Định cho thấy địa phương đã có sự đầu tư rất lớn về nguồn lực cho giáo dục - đào tạo.

Đồng thời, đoàn giám sát đã ghi nhận và đánh giá cao sự vào cuộc của các sở, ngành tỉnh Bình Định đối với sự nghiệp giáo dục của tỉnh và sự chủ động của các cơ sở giáo dục. Tại các cơ sở giáo dục, đoàn giám sát đã nhận thấy tinh thần trách nhiệm, những nỗ lực vượt khó của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong việc triển khai chương trình mới.

“Đối với học sinh, qua giám sát đoàn nhận thấy các em đã đón nhận chương trình mới một cách phấn khởi. Áp lực cho học sinh đã giảm đi khi lượng bài tập về nhà ít, chương trình đã được giảm tải nhiều… Đội ngũ giáo viên cũng nhanh chóng nắm bắt mục tiêu, yêu cầu về phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá học sinh trong chương trình mới theo hướng tích cực”, ông Sỹ nhấn mạnh.

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. Ảnh: Hoàng Vinh.

Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. Ảnh: Hoàng Vinh.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định và các sở ngành liên quan hoàn thiện bổ sung một số nội dung báo cáo để chuẩn bị cho buổi làm việc giữa Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội với UBND tỉnh Bình Định thời gian tới.

Đến năm học 2022-2023, mạng lưới giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Định có 407 cơ sở. Trong đó, giáo dục tiểu học là 204 trường, có 128.166 học sinh với 4.311 lớp, tổng số phòng học 4.358 phòng. Giáo dục THCS là 148 trường, có 91.960 học sinh với 2.592 lớp, số phòng học 2.089 phòng. Giáo dục THPT là 55 trường, có 55.642 học sinh với 1.353 lớp, số phòng học 1.316 phòng.

Hiện nay, số trường đạt chuẩn quốc gia cấp tiểu học là 155/204 trường. Trong đó mức độ 1 là 112 trường; mức độ 2 là 43 trường, đạt tỷ lệ 75,98%; cấp THCS là 129/148 trường, trong đó mức độ 1 là 123 trường; mức độ 2 là 6 trường, đạt tỷ lệ 87,16%; cấp THPT là 28/55 trường, trong đó mức độ 1: 28 trường, đạt tỷ lệ 50,90%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.