Do ảnh hưởng của bão 12, từ tối ngày 3 đến sáng ngày 4.11, trên địa bàn tỉnh ta đã có mưa to, gió lớn, nhất là các huyện ở khu vực phía Nam tỉnh.
Sáng 4.11, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã có mặt huyện Vân Canh để chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão. Từ xã Canh Vinh đến xã Canh Thuận, nhiều diện tích cây lâm nghiệp dọc tuyến quốc lộ 19C đã bị đổ ngã ra đường. Chủ tịch UBND huyện Vân Canh Trần Kim Vũ, cho biết: Công tác ứng phó bão số 12 gặp nhiều khó khăn, do trời đang mưa to, gió lớn.
Hiện xã Canh Liên có 8 làng, Canh Hiệp 1 làng và Canh Thuận có 3 làng với khoảng 500 hộ dân bị cô lập. Tuyến đường đi Canh Liên bị sạt lở nhiều đoạn, giao thông bị chia cắt.
Còn tại TP Quy Nhơn, gió biển rất mạnh, sóng dữ dội, khiến hàng trăm tàu hàng và tàu cá của ngư dân bị sóng đánh bật neo trôi dạt, trong đó có 6 tàu bị chìm, khoảng 60 người bị rơi xuống biển.
Trong tình thế cấp bách, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã trực tiếp vào khu vực biển Quy Hòa thuộc địa bàn phường Ghềnh Ráng và khu vực biển thuộc địa bàn Trần Phú, Hải Cảng chỉ đạo ngành chức năng tập trung cứu hộ, cứu nạn các tàu cá đang bị nạn ở khu vực biển Quy Nhơn.
Theo ông Phạm Văn Thủy, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 48, trong sáng 4.11, có 24 người rơi xuống biển đã được cứu vớt, hiện đang được điều trị tại các bệnh viện trong tỉnh.
Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, hiện có nhiều tàu cá của ngư dân đang bị nạn trên biển. Trong đó, tàu BĐ 95184 TS có 2 người, chủ tàu là ông Võ Minh Vương ở xã Hoài Hương (Hoài Nhơn), bị gãy bánh lái lúc 23 giờ 30 phút ngày 3.11 tại vùng biển có tọa độ 13035’N, 109048’E (cách Đông Cù Lao Xanh khoảng 26 hải lý) đang liên lạc với các tàu trong tổ đội đến hỗ trợ giúp đỡ.
Còn tàu cá BĐ 95956- TS, công suất 730CV, trên tàu có 2 người, do thuyền trưởng Đỗ Văn Mốt, ở cùng xã Hoài Hương bị hết nhiên liệu, thả trôi ngày 3.11 cách bờ biển Quy Nhơn 40 hải lý. Hiện tàu Hải quân 799 đã cứu nạn 2 người trên tàu BĐ 95956- TS an toàn lúc 0 giờ 30 phút ngày 4.11.
Cũng trong ngày 4.11, tại phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) có 4 người ra kiểm tra bè nuôi trồng thủy sản thì bị chìm ghe, trong đó có 2 người đã được cứu vớt, còn 2 người đang trôi dạt.
Ngoài ra, có 5 người trên bè cá tại khu vực biển phường Ghềnh Ráng cách bờ 300m không vào được. Tàu BĐ 97362- TS của ông Ngô Quốc Nam, ở Hoài Hương, trên đường vào cảng Quy Nhơn, có 1 người trên tàu rơi xuống biển.
Tại phao số 0 khu vực biển Quy Nhơn có 1 tàu cá của ngư dân (chưa rõ số hiệu) đang chìm. Tàu hàng Jupiter, quốc tịch Campuchia, có 7 người, bị hỏng bánh lái, thả trôi tại khu vực biển Quy Nhơn.
Cũng theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKTC, mưa bão đã làm ngập hầu như toàn bộ các tuyến đường nội thành Quy Nhơn; làm sập 5 ngôi nhà dân. Thị xã An Nhơn cũng có 1 người bị thương, 1 nhà sập, 11 nhà tốc mái, mất điện diện rộng; huyện Vĩnh Thạnh có 30 ha cây hoa màu bị ngập, ngã đổ. Phù Cát: 4 nhà dân ở xã Cát Tiến bị sập, cầu Nước Giáp, xã Cát Thành bị xói lở.
Huyện Tuy Phước có 1 người chết (bà Huỳnh Thị Phú, ở thôn Kim Tây, xã Phước Hòa) do mưa bão; 10 nhà sập, 2 nhà tốc mái, nhiều cây xanh bị đổ ngã. Mưa bão cũng đã làm cho 300 ha lúa ở huyện Phù Mỹ bị hư hại.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhận định: “Mưa bão sẽ còn tiếp tục sẽ diễn biến phức tạp, nhiều tàu cá và ngư dân đang bị nạn ở vùng biển ven bờ và còn hàng chục ngàn hộ dân ở những vùng nguy hiểm, do vậy ngành chức năng và chính quyền các địa phương tập trung huy động mọi nguồn lực đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân.
Trong chiều và tối 4.11, lực lượng quân đội tiếp tục triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn tàu cá và ngư dân; chăm sóc tận tình, đảm bảo sức khỏe cho người bị nạn. UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Riêng TP Quy Nhơn trong sáng 4.11, cần phải di dời khẩn cấp 473 hộ/1.629 nhân khẩu ở phường Quang Trung, Bùi Thị Xuân, Lê Hồng Phong bị ngập sâu đến nơi an toàn...”.