Café chủ nhật:

Bình an trong tâm hồn

GD&TĐ - Trong giờ ra chơi, đồng nghiệp mở điện thoại cho tôi xem loạt hình ảnh ghi lại cảnh hàng nghìn người chen lấn nhau nơi cửa chùa linh thiêng.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Xem xong, nhớ lại cách đây chừng mười năm trước, cơ quan tôi cũng có chuyến du Xuân, vãn chùa đầu năm với tâm thế khi đi đầy hào hứng. Đó là chuyến đi ra Bắc để thăm vãn một số chùa chiền linh thiêng có tiếng từ ngàn xưa. Nhưng kết thúc chuyến đi ấy, ai nấy đều không còn mặn mà nếu có dịp được trở lại. Tất cả cũng bởi cảnh chen lấn hãi hùng…

Lễ chùa đầu năm là một nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa của người Việt được gìn giữ và lưu truyền đến nay. Với thành tâm mong cầu bình an cho gia đình, giáo dục con cháu hướng thiện; giữa không gian thanh tịnh, mỗi người sẽ thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Phong tục lễ chùa đầu Xuân tuân theo quy luật của tự nhiên “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (mùa Xuân sinh sản, mùa Hạ tăng trưởng, mùa Thu thâu rút lại, mùa Đông ẩn tàng, chất chứa…). Trong sự chuyển vận tự nhiên của vạn vật, đất trời, việc lễ chùa vào mùa Xuân vừa là khởi đầu một năm, vừa là khởi đầu của sự sống. Với mong muốn khởi đầu năm mới được an lành, suôn sẻ, người đi lễ chùa là để sám hối những việc làm sai, tu tâm, dưỡng đức, bỏ lại phía sau những lo toan vất vả trong cuộc mưu sinh. Đi lễ chùa còn giúp ghi nhớ công ơn ông bà, tổ tiên, hướng tới chân – thiện – mỹ trong cuộc sống, để làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội.

Như vậy, lễ chùa đầu Xuân mới vốn mang ý nghĩa thánh thiện, tốt đẹp mà mỗi chúng ta đều muốn hướng tới. Thế nhưng tại sao trong những năm gần đây lễ chùa đầu Xuân lại bị dư luận xã hội chê trách? Có người cho rằng, đó là thói quen chen lấn, giành giật đã ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ của người Việt. Những ngày Tết và sau Tết, trong các lễ hội, nhất là lễ hội ở miền Bắc, xảy ra tình trạng cướp giật, chen lấn để xin lộc, cầu tài tại các ngôi đền, chùa lớn hay các địa điểm tâm linh thu hút nhiều người đến. Cũng có người chỉ ra nguyên nhân là do sự biến tướng của một số lễ hội với mục đích thu lợi bất chính từ việc tâm linh, là dạng buôn thần bán thánh của những kẻ tà đạo, như một số vụ việc đã xảy ra và gây bức xúc trong dư luận. Thực tế này khiến chúng ta lại liên tưởng đến cảnh đám tang “gương mẫu” của đám con cháu cụ cố tổ trong tiểu thuyết “Số đỏ” của nhà văn Vũ Trong Phụng. Ở đó, nhà văn đã châm biếm sâu cay sự kệch cỡm, hổ lốn, bát nháo của một đám ma “to tát” tây - ta lẫn lộn. Ngẫm kỹ, đó chính là sự can thiệp thái quá vào một nét đẹp văn hóa khiến nó bị xô lệch, méo mó. Đó là sự “hòa” làm “tan” và mất đi những giá trị tốt đẹp.

Ảnh minh họa: Goodtaste

Ảnh minh họa: Goodtaste

Nhưng còn một nguyên nhân quan trọng là cái tâm không sáng của người đi lễ. Đi lễ chùa đầu năm cái tâm phải thật trong sáng thì mọi điều mình mong muốn sẽ có thể đạt được. Thông thường đi lễ chùa, đền, phủ, người ta hay hái lộc đầu Xuân, là những búp chồi non. Nhưng không phải cứ ra sân chùa hái mang về mà người nhà chùa với tâm thánh thiện đã hái đưa lên bàn thờ để thần linh, đức Phật chứng giám, khi người đến lễ xin về thì chút lộc ấy mới có quả phúc. Để chuyến du Xuân, lễ chùa đạt thành quả, khi đến chùa phải trang nghiêm từ lời ăn, tiếng nói, trang phục, luôn nghĩ đến điều tốt đẹp cho mình và cho mọi người. Vào chùa phải vào cửa bên trái và ra theo cửa bên kia, có nghĩa đi ngược chiều kim đồng hồ theo chiều quay của chữ Vạn. Lễ chùa nhất thiết phải lễ Đức Ông trước sau đó mới vào điện Phật và tay phải chắp để giữa ngực, không cầu xin vật chất mà cầu xin những điều tốt đẹp… Đứng trước ban thờ Phật có nghĩa chúng ta đứng trong dòng chảy sinh lực của vũ trụ, con người sẽ được hưởng hạnh phúc nếu tâm trong sáng và tin rằng sau lễ đầu Xuân, một năm hạnh phúc, viên mãn sẽ đến với mọi nhà. Vậy mà, còn đó không ít người lên chùa với cái tâm như thế nào? Tâm không thành, lại mưu cầu lộc vật chất theo kiểu tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, Phật sẽ không chứng cho, bởi Phật không hướng con người tới thế giới vật chất mà hướng con người đến trí tuệ, cuộc sống thanh cao. Và, khi chúng ta lên chùa không thành tâm thì dẫm đạp, tranh đoạt ắt sẽ xảy đến. Khi chúng ta lên chùa còn chất đầy trong lòng những ham muốn vật chất vô độ thì sân chùa còn cảnh bán buôn.

Hơn mười năm kể từ lần đi lễ chùa đầu Xuân cùng cơ quan, tôi đã không trở lại những nơi ấy thêm một lần nào nữa. Không phải tôi đang lãng quên những nét đẹp văn hóa tâm linh của cha ông truyền lại. Tôi vẫn lên chùa, đến đền thờ thắp hương cầu an và dịp đầu Xuân. Nhưng đó là những nơi bình dị, thanh tĩnh đem đến sự bình an trong tâm hồn cho tôi và những người thành tâm đến với cửa chùa. Đến cửa chùa mang trong lòng sự thành tâm, thanh tĩnh vừa thấy mình cần phải sửa mình nhiều hơn vừa thấy thêm yêu hơn cuộc sống, yêu hơn thiên nhiên cây cỏ chim muông. Đến cửa chùa để được nghe tiếng chuông ngân vang bay bổng, để được hít hà cái không khí trong lành. Đến cửa chùa để hướng lòng về tiên tổ, để biết sống chậm lại và lắng nghe âm thanh cuộc sống quanh mình…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.