Nhân dịp năm Dần, cùng bạn đọc tìm hiểu ý nghĩa hình ảnh hổ trong sự đa dạng nền văn hóa.
Biểu tượng vương quyền
Hổ to lớn và mạnh mẽ. Với cân nặng hàng tạ và khả năng tấn công khủng khiếp, hỗ dễ dàng lấy mạng của con người. Vì vậy, loài động vật này gây nên nỗi khiếp đảm cho con người và được sự tôn sùng cao nhất.
Chí ít là từ 5 nghìn năm trước, hổ đã được người Ấn Độ bày tỏ thái độ tôn kính. Trên con dấu Pashupati bằng đá của Văn minh lưu vực sông Ấn (Indus Valley Civilisation, 3300 – 1300 TCN) trong khoảng thế kỷ 25 TCN, các nhà khảo cổ phát hiện hình khắc hổ.
Kể từ Vương triều Chola (300 – 1279), hổ đóng vai trò biểu tượng hoàng gia Ấn Độ. Bắt đầu từ năm 1972, nó còn được chọn làm quốc vật của đất nước cà ri (trước đó là sư tử).
Văn hóa phong kiến Trung Quốc tôn thờ rồng, nhưng cũng xem trọng hổ không kém. Họ thấy các vằn đen trên trán hổ giống như chữ “vương”, nên đặc biệt liên kết với giai cấp thống trị. Trẻ em Trung Quốc chào đời vào năm Dần được cha mẹ vẽ ký tự lên trán. Ý nghĩa của nó là mong đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, dũng cảm và trở thành người đàn ông đại lượng.
Nhiều đất nước châu Á đề cao hổ. Năm 1988, Hàn Quốc chọn hổ làm biểu tượng Thế vận hội Olympic. Tại Pakistan – vùng đất không có hổ, các đảng phái vẫn dùng hình ảnh hổ làm đại diện. Những quốc gia Đông Á có nền kinh tế phát triển thần tốc như Hồng Kông, Malaysia, Singapore… thì được phong “con hổ châu Á”.
Thú vị là tại châu Mỹ vốn không có hổ, các thổ dân vẫn sùng bái hổ. Truyền thuyết của họ kể rằng, hổ là bậc thầy tuyệt vời, công lý, chính trực. Các gia tộc, bộ lạc ở đây sáng tạo tổ vật (totem) hình hổ, lấy nó làm đại diện cho sức mạnh, quyền lực, tham vọng.
Bóng tối và hủy diệt
Tại châu Á, hổ nằm trên đỉnh chuỗi thức ăn tự nhiên. Nhờ sở hữu thể chất vượt trội, nó lấn áp cả con người. Ở Thái Lan, có vài nhà tù nằm gần khu bảo tồn hổ. Chúng không có tường, rào kín kẽ, nhưng cũng chẳng tù nhân nào trốn chạy. Vì nếu họ trốn ra khỏi phạm vi khuôn viên giam giữ là liền chạm mặt “ông ba mươi”.
Tín ngưỡng dân gian Ấn Độ cho rằng, nếu nam giới bị hổ ăn thịt, linh hồn liền biến thành ma chỉ điểm. Con ma này ngồi trên trán hổ, dẫn nó đến chỗ có “con mồi” mới. Một số vùng Ấn Độ còn liên kết hổ với sự tận diệt. Họ mê tín nếu hổ chết hoặc bị giết gần vườn, cây cối sẽ không ra hoa, gia súc, gia cầm thôi sinh đẻ.
Người Nhật Bản thì gắn liền hổ với sự xui xẻo. Tiếng gầm của nó gọi giông tố, râu là thuốc độc, da ứng nghiệm lời nguyền...
Tại châu Phi, hổ tượng trưng cho sự hung hãn và nhan sắc mê hoặc. Người dân Lục địa Đen thường ví hổ với nữ quyền. Trong lĩnh vực tín ngưỡng, họ áp đặt nó cùng cái ác và sự hủy diệt.
Người ta cũng tin rằng, các pháp sư quyền lực chính là hổ, cụ thể là thân người – hồn hổ. Buổi tối, khi ông ta ngủ, hồn hổ rời thân xác người, nhập vào cơ thể hổ đi săn. Sáng ra, hồn hổ lại bỏ thân xác hổ, quay về cơ thể người.
Người châu Phi tôn thờ hổ và các loài mèo lớn khác, ví dụ như sư tử, báo… Họ lo sợ nếu bất kính, chúng liền đem tới thiên tai, thảm họa, diệt vong.
May mắn và che chở
Song hành nỗi khiếp hãi hổ trong các nền văn hóa là sự ngưỡng mộ. Nhật Bản xem hổ như điềm rủi, nhưng họ lại tin tai hổ là bùa may, đem tới sự cát tường và ngăn chặn cái chết.
Người Sumatra (Indonesia) tin hổ là kiếp sau của tổ tiên, giúp xua đuổi bệnh tật và ma quỷ. Họ không những không giết hổ, mà còn yêu quý và kính trọng vô hạn. Nhiều thị tộc, bộ lạc ở Bắc Ấn Độ cũng cho hổ là tổ tiên. Họ đối xử hết sức trân quý, tin tưởng hổ thấu hiểu tình cảm chân thành và đáp lại bằng sự che chở tuyệt đối.
Truyền thuyết ngũ hổ Trung Quốc cho rằng, hổ bảo vệ tứ phương. Chúng bao gồm Hồng Hổ (đại diện mùa hè, ngự phía Nam), Hắc Hổ (đại diện mùa đông, ngự phía Bắc), Thanh Hổ (đại diện mùa xuân, ngự phía Đông) và Bạch Hổ (đại diện mùa thu, ngự phía Tây). Bốn hổ này dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hổ, sống ở trung tâm.
Trong Kito giáo, hổ tượng trưng cho hoàng gia và lòng dũng cảm. Trong Phật giáo, hổ đại diện cho niềm tin, chiến thắng. Trong Ấn Độ giáo, hổ là tọa kỵ của Nữ thần Durga… Tuy phải từ thế kỷ XV mới biết đến hổ, phương Tây cũng coi loài này là biểu tượng sức mạnh, lòng tin, sự may mắn.
Ngày nay, hổ bị liệt vào danh sách động vật nguy cấp. Ước tính, cả Trái đất đang chỉ có khoảng 4.000 cá thể sống trong tự nhiên. Chúng bao gồm 6 loài: Hổ Siberia, hổ Hoa Nam, hổ Đông Dương, hổ Mã Lai, hổ Sumatra và hổ Bengal. Trong đó, hổ Bengal chiếm số lượng cao nhất, khoảng 3.400 con.