Một con hổ bị nuôi giữ trong chuồng tại điểm du lịch (ảnh: BKP)
Hơn hai tháng sau khi lực lượng kiểm lâm Thái phát hiện 40 con hổ chết trong một ngôi đền nổi tiếng tại tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan, ngành du lịch xung quanh “ông ba mươi” ở nước này không vì thế mà bị ảnh hưởng. Ngược lại, với số lượng hổ bị nuôi giữ đang tăng lên rất nhanh, các dịch vụ du lịch liên quan đến loài động vật này đang ngày trở nên phát đạt.
Tuy nhiên, điều này đang vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhà bảo vệ động vật - những người cho rằng du lịch hổ quá tàn nhẫn và cần phải bị đóng cửa, đặc biệt là sau sự kiện đền Hổ tại Kanchanaburi vào tháng 6 vừa qua. “Không có nhiều thay đổi diễn ra. Vụ đền Hổ đã khiến dư luận chú ý nhưng đáng tiếc là chỉ giới hạn trong ngôi đền đó mà thôi,” Jan Schmidt-Burbach, một chuyên gia về động vật hoang dã từ tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới cho biết.
Theo một bản báo cáo hồi tháng 7 của tổ chức này, số lượng hổ bị nuôi giữ tại Thái Lan để phục vụ cho các mục đích giải trí đã tăng 33%, từ 623 con vào năm 2010 lên tới 830 con vào năm 2015-2016. Tám điểm du lịch hổ mới cũng đã được mở thêm trong khoảng thời gian này.
Là quốc gia có ngành công nghiệp du lịch phát triển nhất nhì châu Á, Thái Lan có những điểm du lịch động vật hoang dã, tại đó, du khách có thể chụp ảnh “tự sướng” với hổ, cưỡi voi hay xem đười ươi đấm boxing… Một số nơi, hổ sơ sinh bị tách rời khỏi mẹ ngay sau khi mới sinh ra, để hổ cái có thể nhanh chóng mang thai tiếp, Schmidt-Burbach tiết lộ. Ông cũng cho rằng, hiện nay chính phủ Thái không nhận thức được tính nghiêm trọng của việc gia tăng số hổ bị nuôi giữ tại nước này
Adisorn Noochdumrong, Phó giám đốc của Cục Công viên Quốc gia Thái Lan cho biết “luật quản lý số lượng” đã được áp dụng từ tháng 7 đối với việc sinh sản của hổ phục vụ cho mục đích thương mại. Theo đó, các điểm nuôi giữ hổ phải nuôi riêng hổ đực và hổ cái, và phải xin giấy phép trước khi cho hổ sinh đẻ.
Schmidt-Burbach và Edwin Wiek, Giám đốc của Quỹ Những người bạn của động vật hoang dã Thái Lan tin rằng, điều luật này là chưa đủ, và việc sinh sản của hổ thương mại cần phải được cấm hoàn toàn. “Tất cả các khu du lịch hổ tại Thái Lan không nên được phép tiến hành cho hổ sinh sản bởi vì việc này không hề phục vụ mục đích bảo tồn thiên nhiên,” Schmidt-Burbach nói.
Du khách rất thích chụp ảnh với hổ (ảnh: dailyrecord)
Tuy vậy, Wiek cũng phải thừa nhận rằng, nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch với hổ là nguyên nhân hàng đầu khiến ngành du lịch này bùng nổ như vậy. “Mọi người vẫn rất hứng thú chụp ảnh với hổ,” Wiek bất đắc dĩ cho biết.
(Theo BKP)