Biểu quyết thông qua Luật Đường sắt

Chiều 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi) với tỷ lệ 80,86% số ĐBQH có mặt tán thành.

Các ĐBQH bấm nút biểu quyết. Ảnh: Quang Khánh
Các ĐBQH bấm nút biểu quyết. Ảnh: Quang Khánh

Luật Đường sắt (sửa đổi) có 10 Chương, 87 Điều quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước trong hoạt động đường sắt.

Chính sách của nhà nước về phát triển đường sắt là ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị để bảo đảm giao thông vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống giao thông vận tải cả nước. Bên cạnh đó, khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư, kinh doanh đường sắt. Đặc biệt, giành quỹ đất theo quy hoạch để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt…

Luật cũng nêu rõ Bộ Giao thông - Vận tải có trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UBND cấp tỉnh nơi có đường sắt đi qua tổ chức bảo vệ công trình đường sắt đặc biệt quan trọng.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Những dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt đã được phê duyệt trước thời điểm Luật này có hiệu lực thì không phải phê duyệt lại; các hoạt động tiếp theo chưa được thực hiện thì thực hiện theo quy định của Luật này.

Theo daibieunhandan.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ