Viêm tiểu phế quản là bệnh phổ biến hàng đầu ở trẻ dưới 2 tuổi và dễ diễn biến nặng do hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Do đó cha mẹ cần chú ý phòng ngừa và điều trị kịp thời khi trẻ có biểu hiện mắc bệnh.
Viêm tiểu phế quản là tình trạng nhiễm trùng phổi gây ra bởi một số loại virut, đứng hàng đầu là virut hợp bào hô hấp (virut Respiratoire Syncytial), chiếm 30 - 50% các trường hợp mắc bệnh. Virút này có khả năng lây lan rất mạnh nên bệnh dễ lây lan. Ở người lớn, trẻ lớn cũng có thể bị nhiễm virut này nhưng biểu hiện thường nhẹ, chỉ như cảm ho thông thường. Nhưng nếu trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi dễ biểu hiện nặng.
Tình trạng viêm nhiễm gây tắc nghẽn phế quản kích thước nhỏ hay còn gọi là các tiểu phế quản làm cho đường thở của trẻ bị chít hẹp trẻ sẽ bị khò khè, khó thở và nặng hơn nữa trẻ sẽ bị thiếu ôxy để thở.
Trẻ bị viêm tiểu phế quản thường có biểu hiện ban đầu là ho, chảy nước mũi trong, sốt nhẹ,… trong khoảng 2 ngày đầu. Sau đó trẻ có triệu chứng khò khè, thở nhanh nông, bú càng ngày càng kém,… Khi có những dấu hiệu này cần cho trẻ đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ diễn tiến nặng, trẻ ho nhiều, khò khè, thở nhanh (thở co kéo lồng ngực), khó thở, bú kém, bỏ bú, sốt cao, quấy khóc hoặc li bì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Biến chứng nặng
Biến chứng thường gặp của bệnh là suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi viêm tai giữa. Thành của các tiểu phế quản này không có sụn chỉ có cơ trơn nên dễ bị co thắt, xẹp lại khi bị viêm. Đặc biệt, đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ sinh non - nhẹ cân, trẻ suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị bệnh tim, phổi, suy giảm miễn dịch thì nguy cơ bệnh kéo dài, diễn tiến nặng càng cao và nhiều biến chứng hơn nguy cơ tử vong cũng cao hơn. Đây là những trường hợp cần được cho nhập viện sớm khi bị viêm tiểu phế quản.
Bác sĩ Nguyễn Nhật Minh
Lời khuyên của thầy thuốc
Cách chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản như sau: Tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ. Có thể chia nhỏ thành nhiều cữ bú, bữa ăn để trẻ đỡ bị nôn ói khi ho nhiều. Cho trẻ uống nhiều nước để tránh thiếu nước và làm loãng đờm, dịu ho. Có thể dùng thuốc ho dạng thảo dược theo chỉ định của bác sĩ. Điều chỉnh nhiệt độ phòng vừa phải, sao cho không khí không quá khô và lạnh. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu trẻ sốt trên 38,5 độ. Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn. Có thể nhỏ mũi với 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó làm sạch mũi cho trẻ. Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc vì nếu dùng không đúng có thể làm trẻ bệnh nặng hơn hay có thể có tác dụng có hại, nhất là ở trẻ nhỏ. Tái khám đúng hẹn theo lịch hẹn của bác sĩ.
Xem bài sau: Cách chăm sóc để bé không bị viêm phế quản
vào ngày 31/7/2015
Cưới nhau sau một tháng vẫn không thể "yêu" | Nguyên tắc sinh hoạt người đau dạ dày cần tuân thủ | Mẹ mang thai cần ăn gì? |