Những tài sản vô hình đó có thể biến thành tài sản hữu hình để tăng cường nội lực cho đất nước, làm giàu cho người dân.
Mới đầu tháng Tư, tổ chức tín dụng quốc tế Fitch Ratings nâng triển vọng kinh tế của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”, phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng của Việt Nam, ghi nhận các thành quả về tài khóa, nợ công của Việt Nam, thành công của Chính phủ trong kiểm soát Covid-19.
Trước đó, giữa tháng Ba, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng nâng triển vọng kinh tế Việt Nam từ tiêu cực lên tích cực.
Theo “Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu” của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance cuối tháng Hai, Việt Nam được nâng hạng trong bảng xếp hạng này từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng, là quốc gia Đông Nam Á duy nhất tăng xếp hạng chỉ số này trong khi các nước khác giảm, không kể Singapore vẫn duy trì vị trí trong top 20 quyền lực mềm toàn cầu.
Sự tin cậy của các tổ chức tín dụng quốc tế, của các quốc gia khác với Việt Nam được duy trì từ năm 2020. Cuối năm ngoái cũng Brand Finance đã xác định Việt Nam là một trong các nước có mức tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia mạnh nhất thế giới, tăng 29% so với năm 2019, lên 319 tỷ USD, thứ hạng cải thiện từ 42 lên 33.
Sự cải thiện thương hiệu quốc gia, vị thế đất nước có được là nhờ những thành công trong chính sách điều hành của chính phủ, nỗ lực cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu của đất nước và nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, của người dân – như nhận định hôm 19/4 của Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Chủ tịch hội đồng Thương hiệu quốc gia.
Đất nước, doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn với sự cải thiện thương hiệu quốc gia. Những tài sản vô hình sẽ trở thành tài sản hữu hình để làm dân giàu nước mạnh, tăng cường nội lực cho đất nước, cải thiện vượt bậc đời sống người dân.
Thương hiệu quốc gia gia tăng nghĩa là thu hút đầu tư FDI có thể gia tăng khi vẫn diễn ra sự dịch chuyển chuỗi giá trị trong khu vực. Cơ hội xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài nhiều hơn, nhất là khi có các hiệp định thương mại tự do làm nền tảng.
Du lịch đang đứng trước cơ hội thu hút khách nước ngoài khi Việt Nam vẫn là một điểm đến an toàn – trước đây là an toàn về an ninh và giờ đây là an toàn trong dịch bệnh, và Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu việc mở lại đường bay thương mại quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam vận dụng sáng tạo các hình thức đón du khách quốc tế để bảo đảm chống dịch và tăng trưởng kinh tế.
Từ đó Việt Nam cũng có thể thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Thương hiệu quốc gia cải thiện sẽ mở rộng cửa, tăng cường lòng tin cho các doanh nghiệp Việt Nam đi ra thế giới, và ngược lại, các doanh nghiệp có chỗ đứng, xác định được thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường toàn cầu cũng giúp làm tăng thương hiệu quốc gia của Việt Nam.
BKAV xuất khẩu lô hàng camera AI View đầu tiên sang Mỹ cuối năm ngoái. Vinfast tiến chân vào thị trường Mỹ… Việt Nam được định danh không chỉ là nhà xuất khẩu hàng tiêu dùng, thực phẩm… mà đang bắt đầu tiến vào lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao.
Tất nhiên là thách thức vẫn còn rất lớn để duy trì được những tiến bộ đó. Vẫn còn nhiều việc phải làm trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sự sáng tạo của người dân, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường hay những bức xúc khác của xã hội.
Chính phủ nhiệm kỳ trước với phương châm chính phủ kiến tạo đã làm khá tốt. Chính phủ mới vừa được hình thành đã đưa ra những cam kết để tiếp tiếp tục đổi mới, tạo chuyển biến hiệu quả mạnh mẽ hơn trong mọi lĩnh vực.
Chỉ có như vậy mới duy trì được một thương hiệu quốc gia bền vững từ trong bản chất, và điều quan trọng không kém là dần dần xây dựng được những “từ khóa” về thương hiệu trong tâm thức người nước ngoài, ví như sự năng động, sáng tạo, đổi mới, cần cù… mang lại lợi ích, tâm thế mới cho người dân và doanh nghiệp khi ra thế giới.