Trong bối cảnh ngành giáo dục đổi mới mạnh mẽ, tuyến bài "Trải thảm đỏ săn người giỏi về dạy học" của tác giả Thái Bá Dũng - hiện công tác tại Báo Tuổi trẻ TPHCM đã nêu bật sự bứt phá của các địa phương trong việc tìm hướng đưa chất lượng giáo dục vươn lên. Tuyến bài gồm 3 tác phẩm nối tiếp, bao gồm: Khi giáo viên được chọn nơi làm việc; Để không trượt dài trong sự giả dối; Mời sinh viên xuất sắc về dạy học.
Các tác phẩm nêu bật sự thay đổi tích cực của ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam. Theo đó, những người giỏi sẽ được săn đón ngay từ ngày còn học THPT. Họ được theo dõi, giúp đỡ trong những năm học đại học nếu chọn theo ngành sư phạm.
Sau khi ra trường, sinh viên loại giỏi sẽ được người của sở trực tiếp mời nộp hồ sơ. Người đủ điều kiện sẽ được tuyển thẳng. Những sinh viên mọi miền Tổ quốc sẽ được tự do cạnh tranh thi tuyển viên chức giáo dục vào Quảng Nam, được thi và thể hiện năng lực. Người giỏi nhất sẽ được tự chọn trường để làm việc.
Chia sẻ về quyết sách này, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam - ông Hà Thanh Quốc bày tỏ: "Tôi tin rằng, các đồng nghiệp, ai cũng có thể làm được. Đồng nghiệp ở các Sở GD&ĐT trên cả nước cũng có thể làm được như Quảng Nam. Thực ra, khi trở thành người quản lý của ngành giáo dục tỉnh, điều mà tôi trăn trở là làm sao để uy tín của ngành giáo dục ngày càng được nâng cao. Muốn được xã hội tôn vinh, uy tín ngành muốn được nâng cao, thì người đứng đầu ngành của tỉnh phải tìm ra giải pháp".
Theo ông Hà Thanh Quốc, vấn đề đầu tiên là liên quan đến con người. Phải làm sao để thu hút các sinh viên giỏi về cho tỉnh nhà. Bởi, nếu không có lực lượng đội ngũ thầy cô giáo giỏi, chắc chắn ngành giáo dục sẽ có vấn đề. Không có thầy giỏi, sẽ không có trò giỏi.
"Vì thế, tôi băn khoăn mãi. Càng băn khoăn, càng tìm cách làm sao để thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp sư phạm về. May mắn khi Nghị định 140 ra đời, đó như một công cụ để tôi thực hiện mong muốn.
Trong 3 năm, tôi đã trực tiếp có văn bản, điện đến hiệu trưởng các trường sư phạm trên cả nước để nhờ nhà trường tác động các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nếu có nguyện vọng sẽ về Quảng Nam.
Sau 1 năm bố trí về giảng dạy, đúng là tôi đã thu hút được các thầy cô xuất sắc. Kết quả ban đầu rất hài lòng. Đó là tín hiệu cho thấy, họ là nguồn nhân lực kế cận giúp nền giáo dục Quảng Nam phát triển", lãnh đạo ngành giáo dục Quảng Nam chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Hà Thanh Quốc cũng chú trọng đến việc phát hiện thầy cô giáo tâm huyết, có năng lực, chuyên môn giỏi. Qua đó, tạo điều kiện, tiếp lửa, giúp họ tiếp tục đầu tự cho việc dạy, nâng cao chất lượng.
"Khi phát hiện, tôi tạo điều kiện, nhưng họ cũng đồng hành, đứng trong đội ngũ giáo viên "cốt cán" của tỉnh. Hiện tại, tôi có đội ngũ giáo viên cốt cán trong nhiều môn học. Điều này giúp cho chuyên môn của ngành rất rõ ràng, đặc biệt là những hoạt động chuyên môn sâu như ra đề thi học sinh giỏi, hội thảo,... Đó cũng là cách mình trân quý tâm huyết, tài năng của các thầy cô", ông Quốc bày tỏ.
Nhờ những quyết sách này, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, nhiều thầy cô quên đi sự mệt nhọc, vì cảm thấy được làm cho cái chung, cho ngành giáo dục Quảng Nam. Đó chính là lực lượng nòng cốt để thực hiện mong muốn: Thay đổi ngành giáo dục. Bởi, muốn đổi mới căn bản, biến trường thành ngôi nhà hạnh phúc, sự thay đổi phải bắt đầu từ người thầy.
Ngoài ra, việc tuyển chọn giáo viên trong những kỳ thi viên chức là vô cùng quan trọng. Nhờ cách tuyển chọn công khai, minh bạch, kỳ thi tuyển giáo viên tại Quảng Nam đã dần lấy được niềm tin của thí sinh. Theo ông Quốc, từ năm 2020 đến nay, số học sinh giỏi ghi danh vào hồ sơ ngành sư phạm đã tăng đáng kể.
"Các đồng nghiệp cũng sẽ làm được, bởi đó không phải điều phi thường. Người đứng đầu cần công minh, chính trực, giữ tiếng thơm cho ngành giáo dục. Khi đó, sớm muộn, mình cũng sẽ có đội ngũ giáo viên giỏi. Cái tôi mong muốn là làm sao để thay đổi giáo dục. Để giáo dục trở thành quốc sách hàng đầu, thì phải thu hút người giỏi trong ngành sư phạm. Đó là động lực để thay đổi kinh tế chính trị xã hội", Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam nhấn mạnh.