Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng BA.2 không phải là một “biến thể đáng lo ngại”, nghĩa là chưa có bằng chứng hiện tại cho thấy biến thể phụ mới này sẽ làm trầm trọng thêm việc lây truyền Covid-19 và tăng mức độ nặng của bệnh.
Số lượng ca mắc BA.2 trên thế giới đang tăng lên, với khoảng 50 quốc gia báo cáo đã có các ca mắc. Tuy nhiên, nó lây lan nhanh ở Đan Mạch và Anh. Một số bang của Mỹ cũng đã xuất hiện ca mắc BA.2.
Trong khi hơn 8.000 ca mắc BA.2 đã được xác định kể từ tháng 11/2021 nhưng vẫn chưa rõ nguồn gốc của BA.2. Mặc dù các trình tự đầu tiên được gửi từ Philippines nhưng nhiều nơi khác nhau từ châu Âu đến Nam Á đều có các ca mắc BA.2.
Với số lượng ca mắc ngày càng tăng, các tổ chức y tế như WHO đang yêu cầu các nhà khoa học theo dõi và nghiên cứu biến phụ mới riêng biệt với Omicron để xem liệu nó có hoạt động khác hay không.
Tiến sĩ Meera Chand, Giám đốc sự cố Covid-19 tại Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho biết: “Bản chất của virus là tiến hóa và đột biến, vì vậy có thể dự đoán rằng chúng ta sẽ tiếp tục thấy các biến thể mới xuất hiện khi đại dịch tiếp tục diễn ra. Đến nay, vẫn chưa đủ bằng chứng để xác định liệu BA.2 có gây bệnh nặng hơn Omicron BA.1 hay không”
Mặc dù được gọi là biến thể Omicron “tàng hình” nhưng biến thể phụ mới “hoàn toàn có thể được phát hiện thông qua các cơ chế giám sát truyền thống cho dù thông qua xét nghiệm nhanh hay PCR” – Tiến sĩ John Brownstein tại Bệnh viện Nhi Boston và ABC Medical của Đại học Harvard cho biết.
Các xét nghiệm Covid-19 thông thường có thể cho kết quả dương tính hoặc âm tính, nhưng chúng không thể xác định các biến thể cụ thể. Để làm được điều đó, các nhà khoa học cần tiến hành giải trình tự gen bổ sung.