Biển số cho phương tiện kinh doanh vận tải: Tránh nhập nhèm, phù hợp với xu thế

Biển số cho phương tiện kinh doanh vận tải: Tránh nhập nhèm, phù hợp với xu thế

Biển nền vàng, chữ màu đen

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 58/2020 quy định quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Một trong những nội dung quy định mới của Thông tư lần này được dư luận, doanh nghiệp vận tải đặc biệt quan tâm đó là việc cấp, đổi biển số cho loại hình xe kinh doanh vận tải.

Cụ thể, tại điểm đ khoản 6 Điều 25 của Thông tư quy định biển số ô tô kinh doanh vận tải sẽ có nền màu vàng, chữ và số màu đen. Seri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z.

Thông tư 58 cũng thể hiện, các xe kinh doanh vận tải đăng ký mới sẽ bắt đầu chuyển sang biển màu vàng từ ngày 1/8. Đối với các phương tiện kinh doanh đã hoạt động trước đó sẽ phải chuyển đổi sang biển vàng trước ngày 31/12/2021. Người dân có thể đăng ký trực tuyến sau đó hẹn giờ, ngày đến làm thủ tục và lấy biển số. Ngoài ra, chủ xe khi đi đổi biển số chỉ cần mang một trong những giấy tờ như chứng minh thư, thẻ căn cước, hộ chiếu hoặc hộ khẩu.

Theo thượng tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký và kiểm định phương tiện, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), quy định màu biển khác biệt sẽ là cú hích tạo sự bình đẳng, thống nhất giữa các phương tiện kinh doanh vận tải. Đối với các tài xế xe công nghệ đăng ký hoạt động thời gian ngắn cũng phải đổi biển số và khi không còn kinh doanh, có nhu cầu đổi lại biển trắng, đơn vị đăng ký xe sẽ làm thủ tục cấp đổi như ban đầu.

Về lộ trình, kế hoạch thực hiện thượng tá Công cho biết, Cục CSGT cũng đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Toàn bộ các địa phương, các đơn vị đều bảo đảm cơ sở vật chất, tập huấn cán bộ sẵn sàng cho ngày 1/8 tới đây để thực hiện.

Chi phí cấp đổi biển khoảng 150.000 đồng/1 xe. "Đây không phải là số tiền lớn. Tuy nhiên, nếu làm đồng bộ sẽ giúp lực lượng chức năng rất nhiều trong việc quản lý, phân biệt tốt hơn các xe hoạt động kinh doanh, đặc biệt tạo sự bình đẳng với các hãng xe…", thượng tá Công thông tin.

Siết quản lý, phù hợp xu thế phát triển

Biển số cho phương tiện kinh doanh vận tải: Tránh nhập nhèm, phù hợp với xu thế ảnh 1
Mẫu biển số đăng ký xe màu vàng, chữ đen. Ảnh: Công an cung cấp

Ông Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Công ty CPTM&PT Du lịch Nụ cười mới cho biết, việc có biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải tạo thêm niềm tin, tính chuyên nghiệp cho doanh nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, ông Cường cũng bày tỏ lo lắng về các thủ tục và hồ sơ pháp lý từ phía ngân hàng để đổi biển số xe đang vay tiền tại ngân hàng.

"Giữ nguyên số xe của biển số xe thì mất ít thời gian để thực hiện đổi biển. Trong trường hợp thay đổi biển số xe, kéo theo ký hiệu xe mới, phù hiệu mới, hợp đồng tài chính với ngân hàng theo biển số mới, dữ liệu định vị mới trên xe… Trước mắt, có sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, xong về lâu dài sẽ thuận lợi trong môi trường kinh doanh, quản lý...", ông Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Hà cho biết, với Thông tư mới, sẽ phải đổi biển cho 400 xe (xe chạy tuyến cố định và xe taxi) nhưng doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ.

"Vì phải dừng hoạt động xe mấy ngày để làm thủ tục sang biển số mới. Tuy nhiên, chắc chắn có biển số màu vàng cho xe kinh doanh, cơ quan chức năng kiểm soát thuận tiện, nhận diện rõ cũng như quản lý các xe vi phạm tốt hơn, tạo môi trường kinh doanh vận tải bài bản hơn…", ông Hoan nói.

Lý giải những quan tâm của dư luận, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đánh giá, Thông tư 58 của Bộ Công an là phù hợp, kịp thời với xu thế phát triển của thế giới.

"Hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng biển số xe có màu riêng để phân định từng loại hình vận tải như: Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Nga…", ông Hùng thông tin và cho biết, trước năm 1975, tại Sài Gòn đã từng áp dụng xe kinh doanh có biển số màu vàng.

Theo ông Hùng, trong Nghị định số 10 của Chính phủ mới đây, đã cho phép các hộ cá thể được phép kinh doanh vận tải. "Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải chắc chắn đều ủng hộ. Vì kinh doanh vận tải là loại hình có điều kiện liên quan đến tính mạng con người, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…", ông Hùng nói.

Không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, thuận tiện quản lý cho Nhà nước mà người tiêu dùng cũng hưởng lợi. "Nhìn màu biển là biết xe kinh doanh vận tải để người dân có nhu cầu sử dụng sẽ liên hệ sử dụng. Nếu phát sinh thắc mắc, người dân cũng sẽ có thêm căn cứ. Bộ GTVT và các sở GTVT địa phương xây dựng các tuyến đường cao tốc, quốc lộ tại địa phương có thể phân luồng cho xe kinh doanh vận tải đi riêng. Thậm chí, có điểm đỗ, điểm dừng để kiểm soát loại hình vận tải này, quy hoạch vào một mối…", ông Hùng phân tích thêm.

Liên quan đến ý kiến có biển số xe màu vàng thì bỏ phù hiệu "xe hợp đồng", ông Hùng cho biết: "Biển màu vàng nhưng phù hiệu, biển hiệu là để nhận diện doanh nghiệp, nhận diện để quản lý, để người tiêu dùng sử dụng. Từ đó, tạo hành lang pháp lý cho ngành giao thông vận tải…".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.