Biến rác thải trở thành tài nguyên

GD&TĐ - Năm nay, Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” của Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cẩu với chủ đề “Cùng hành động để thay đổi thế giới”. Biến rác thải thành tài nguyên cũng là đề tài được xã hội quan tâm, nhất là rác thải nhựa.

Thu gom rác thải nhựa (Ảnh VH)
Thu gom rác thải nhựa (Ảnh VH)

Nguy hại từ rác thải nhựa

Ông Nguyễn Thi (Bộ Tài Nguyên và Môi Trường) chia sẻ: Mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác thải nhựa được đổ ra đại dương. Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hằng năm.

Rác thải nhựa đang hằng ngày tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sự phát triển bền vững quốc gia. Với mỗi túi nilon hoặc mảnh nhựa, cần khoảng thời gian trung bình từ 200 năm đến 300 năm để phân hủy. Do đó, khi tồn tại ngoài môi trường chất thải nhựa làm trầm trọng hơn vấn đề ô nhiễm môi trường.

Rác thải nhựa hiện nay chủ yếu nằm trong chất thải rắn. Vậy mà theo thống kê của Bộ Xây dựng, tỷ lệ thu gom ở đô thị là 85,5% (khoảng 32.000 tấn/ngày). Tất cả do các công ty môi trường đô thị thực hiện, ngoài ra còn có hệ thống thu gom không chính thức (hệ thống đồng nát). Còn ở nông thôn mới chỉ đạt từ 45% -55% (khoảng 14.200 tấn/ngày) lượng rác còn lại được vứt trên đường, dòng sông, cánh đồng hoặc các bãi tập kết rác tự phát.

Tại các bãi chôn lấp chất thải ở một số đô thị lớn (Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, và Bắc Ninh), tỷ lệ rác thải nhựa chiếm khoảng từ 12% -16%, đứng thứ 2 sau rác thải hữu cơ (từ 55% -68%) còn lại là các loại rác khác như giấy đứng thứ 3, từ 4% - 8%.

Có gần 1.000 bãi chôn lấp nhưng tới 69% không đạt yêu cầu vệ sinh như lộ thiên, không có lớp lót, không thu gom nước, khí rỉ, không phủ bề mặt, không xử lý hóa chất, quá tải. Hơn 100 bãi chôn lấp là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Như vậy, lượng rác thải nhựa, qua rất nhiều lần thu gom phân loại bởi hệ thống thu gom phi chính thức (mà ta thường gọi là đồng nát) và được thu gom phân loại bởi các công ty môi trường đô thị thì rác thải nhựa còn lại đem chôn lấp vẫn còn rất lớn, đứng thứ 2 sau chất thải hữu cơ, chủ yếu là rác thải nhựa không thể tái chế như túi, bao bì nilon, chai nhựa bẩn ….

Theo Ngân hàng Thế giới, bình quân mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng 35 túi nilon mỗi tuần) trong khi đó nước ta hiện có khoảng 26,8triệu hộ gia đình. Mỗi tuần, cả nước tiêu thu khoảng 938.000.000 túi nilon (nếu lấy trung bình 100 túi nặng 5kg thì lượng túi nilon hằng tuần được sử dụng và phần lớn được thải loại là 46.900.000 kg)

Cần tái sử dụng

Bà Lê Hoàng Lan, Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam chia sẻ: Có 2 nguyên nhân chính làm rác không thể coi là tài nguyên. Một là, phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Hai là chưa có những chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào tái chế rác thải

Triển lãm sử dụng đồ dùng thân thiện với môi trường (Ảnh VH)

Triển lãm sử dụng đồ dùng thân thiện với môi trường (Ảnh VH)

Thực tế rác thải không phải bỏ đi tất cả mà có thể tận dụng, rác thải của ngành nghề này có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác. Vì vậy, coi rác thải là một loại tài nguyên đã được thế giới công nhận.

 Việc tái sử dụng rác thải chính là thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, tức là tất cả trong một vòng khép kín, không lãng phí nguồn nguyên liệu nào. Phân loại rác từ nguồn là điều kiện tiên quyết để xử lý rác thải hiệu quả và biến nó thành những nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp tái chế.

Không thể phủ nhận rằng nhựa dùng một lần đã là cứu cánh trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Đặc biệt là đối với các nhân viên y tế tuyến đầu. Nó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội, cho phép giao hàng tận nhà các . Và nó có thể đã giúp hạn chế sự lây truyền, bằng cách thay thế các cốc cà phê tái sử dụng và túi mua sắm ở nhiều thành phố vì lo ngại rằng virus có thể dính vào chúng.

Nhưng khi chứng kiến hình ảnh những bao tải chất thải y tế bằng nhựa chất thành đống bên ngoài bệnh viện và các thiết bị bảo hộ cá nhân đã qua sử dụng trôi nổi ở vùng nước ven biển và trôi dạt trên các bãi biển trên thế giới con người lại lo lắng đồ nhựa dùng một lần gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Nếu chúng ta không cẩn thận, suy nghĩ ngắn hạn trong đại dịch có thể dẫn đến một thảm họa môi trường và sức khỏe cộng đồng thậm chí còn lớn hơn trong tương lai. Nhiều vấn đề môi trường chỉ có thể giải quyết toàn diện và lâu dài nếu có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt đối với những vấn đề liên quan trực tiếp đến cộng đồng.

“Các phong trào, chiến dịch làm sạch môi trường đã lan tỏa lối sống đẹp tới đông đảo nhân dân, nâng cao ý thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường. Chỉ khi người dân cùng song hành với chính quyền và ngành chức năng giữ gìn vệ sinh môi trường thì xã hội mới giữ được xanh - sạch - đẹp và văn minh’, bà Lan khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ