Đường giao thông bằng rác thải nhựa

Đường giao thông bằng rác thải nhựa

Đường giao thông làm từ rác thải nhựa không chỉ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác, mà còn bền hơn và có tính chịu lực cao hơn so với những con đường “truyền thống”.

Ý tưởng này được hoan nghênh trong bối cảnh các nhà khoa học không ngừng tìm kiếm các giải pháp tối ưu nhằm giảm thiểu và tái sử dụng tài nguyên.

Giám đốc Công ty MacRebur, ông Toby McCartney, đã hợp tác với một tổ chức từ thiện ở Ấn Độ nhằm giúp đỡ những người bới rác. Nhiệm vụ của những người bới rác bây giờ là thu nhặt rác thải nhựa, sau đó đun nóng chảy để có nguyên liệu vá các ổ gà trên đường hoặc “rải thảm” mặt đường.

Bằng cách này, “vòng đời” của các vật liệu dân dụng dựa trên nhựa đường bình thường có thể được kéo dài nhờ hỗn hợp do Công ty MacRebur tạo ra từ rác. Bên cạnh đó, giải pháp này cũng góp phần giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu mỏ, từ đó gây ảnh hưởng tích cực đến môi trường.

Quá trình làm đường giao thông bằng rác thải nhựa diễn ra như thế nào? Hỗn hợp các loại rác thải nhựa được tạo hạt, sau đó bổ sung vào bê tông nhựa (asphalt concrete) dùng để làm kết cấu mặt đường.

Rác thải nhựa phải được nung chảy ở một nhiệt độ nhất định. Trong trường hợp này, thậm chí loại rác nhựa đen, loại vật liệu khó tái chế, cũng được nung chảy.

Đường giao thông bằng rác thải nhựa tốn ít chi phí hơn đường “truyền thống”. Mặt đường giao thông bằng rác thải nhựa đàn hồi hơn, nhờ vậy chịu được mọi điều kiện thời tiết. Loại bê tông được bổ sung hạt nhựa từ rác thải có độ bền lớn hơn 60% và có “tuổi thọ” cao hơn 3 lần so với bê tông thường.

Hỗn hợp không chỉ được sử dụng trên đường giao thông, mà còn có thể dùng để làm đường băng cho máy bay cất, hạ cánh.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ